Ho là một triệu chứng khá phổ biến đối với tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em khi mà hệ miễn dịch và cơ quan hô hấp của bé vẫn còn nhạy cảm, chưa hoàn thiện.
Không như nhiều người vẫn lầm tưởng, thực chất, ho không được coi là một bệnh, mà là phản xạ để giữ sạch đường dẫn khí và đẩy các chất bẩn hay dị vật ra bên ngoài. Khi đường thở bị kích thích, ho sẽ là phản ứng tự động trong cơ thể. Theo các chuyên gia y tế, có rất nhiều tác nhân khiến trẻ bị ho, bao gồm cả yếu tố bên trong lẫn môi trường bên ngoài. Có thể “điểm mặt” các nguyên nhân chủ yếu và thường gặp nhất sau đây:
Thay đổi thời tiết
Trong điều kiện thời tiết thay đổi, đặc biệt trong những ngày giao mùa, các virus hay tác nhân gây bệnh rất dễ xâm nhập cơ thể bé. Khi mà sức đề kháng còn yếu, bé khó có thể chống cự lại được với những thay đổi bất thường đó nên rất dễ bị nhiễm bệnh.
Tuy không gây nguy hiểm nhiều nhưng các mẹ nên cẩn trọng giữ gìn cho bé trong những ngày giao mùa hay thời tiết bất thường để trẻ tránh bị ho khiến con mệt mỏi, sút cân.
Môi trường ô nhiễm
Ô nhiễm môi trường là một trong những vấn nạn đáng báo động ở nước ta hiện nay. Bởi vậy, hàng ngày trẻ em Việt có nguy cơ tiếp xúc với hàng triệu, hàng tỉ vi khuẩn nguy hiểm cho hệ hô hấp còn non yếu của trẻ. Các tác nhân từ môi trường thường gây ảnh hưởng phổ biến nhất hiện nay dẫn đến triệu chứng ho ở trẻ em là:
- Khói bụi môi trường
- Khói thuốc lá
- Lông súc vật
- Phấn hoa
Viêm phổi
Khi virus xâm nhập vào đường hô hấp, khiến phế quản của trẻ bị nhiễm trùng, con sẽ có hiện tượng ho rát cổ họng. Bên cạnh đó, bé còn có các triệu chứng khác như: sốt, sổ mũi, đau họng, buồn nôn, đau lưng,… là lúc virus này dễ tấn công trẻ nhỏ nhất, các mẹ hãy lưu ý giữ ấm cho con trong những ngày giao mùa nhạy cảm này.
Cảm lạnh
Dấu hiệu để nhận biết trẻ bị ho do cảm lạnh, bố mẹ có thể tham khảo các triệu chứng dưới đây để theo dõi con:
- Ho kèm hắt hơi, sổ mũi
- Ho có đờm, thở dốc tuy nhiên không có tiếng khò khè khi thở
- Sốt
Viêm xoang
Một nguyên nhân khác khiến trẻ ho dai dẳng là khi bé bị viêm xoang. Tai – Mũi – Họng là ba cơ quan thông nhau, vậy nên khi virus xâm nhập và gây viêm xoang cho trẻ khiến bé thường xuyên chảy nước mũi. Nước mũi chảy xuống họng làm cho bé bị ho nhiều hơn.
Bố mẹ nên theo dõi nếu trẻ ho kèm hắt hơi, sổ mũi nhiều ngày thì chú ý không nhầm lẫn với triệu chứng cảm lạnh thông thường mà nên đưa bé tới cơ sở y tế thăm khám xem con có bị viêm xoang không để có hướng điều trị kịp thời và dứt điểm.
Trẻ nuốt phải vật lạ
Nếu bé ho kéo dài mà không kèm theo các triệu chứng bệnh lí khác như: sốt, sổ mũi, dị ứng,… do thời tiết hay môi trường thì khả năng có gì đó đang mắc trong họng hoặc phổi của bé. Trường hợp này cách tốt nhất là cho con tới bệnh viện. Khi đó bác sĩ sẽ tiến hành chụp X-Quang cho bé và phẫu thuật kịp thời nếu phát hiện thấy dị vật trong cơ thể.
Các bạn nhỏ của chúng ta rất thích đưa mọi thứ xung quanh lên miệng mút và nuốt bất cứ lúc nào. Vậy nên bố mẹ không nên chủ quan và hãy để ý từng chi tiết xung quanh nhà để những vật dụng nguy hiểm ở xa tầm tay của trẻ, tránh những trường hợp không hay tới sức khỏe cũng như tính mạng của con.