Bệnh cam ở trẻ em là căn bệnh phổ biến, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu và có kiến thức căn bản để chăm sóc bé yêu tốt nhất. Vậy hãy cùng khoanhi.hongngochospital.vn tìm hiểu về căn bệnh này nhé!
Bệnh cam là gì?
Cam là tên gọi của đông y về bệnh viêm lợi xảy ra đối với trẻ nhỏ, các triệu chứng của viêm lợi là lợi sưng đỏ, đau, hôi miệng, chảy máu, lưỡi trắng, chảy dãi nhiều…Viêm lợi thường xảy ra khi bé mọc răng hoặc nhiễm trùng do vệ sinh răng miệng kém.
Một thể nặng của bệnh cam là cam tẩu mã tuy không phổ biến nhưng rất nguy hiểm. Bé bị cam tẩu mã là do nhiễm phải một loại vi trùng cấp tính. Trẻ sẽ đau liên tục, dữ dội, miệng hôi. Nếu không được điều trị kịp thời, chỗ viêm sẽ lan rộng, gây hoại tử, làm xương tiêu nhanh và tụt lợi.
Có nhiều loại cam khác nhau
Trong Đông y có hai loại bệnh cam chính ở trẻ em là cam tích và cam tẩu mã. Cam tích là do hoạt động tiêu hoá thất thường (tích trệ đồ ăn, trùng tích) nguyên nhân có thể do bẩm sinh nguyên khí kém; Do thiếu dinh dưỡng lâu ngày, ăn uống mất điều độ, ăn quá nhiều đồ béo ngọt; Hoặc do các bệnh mạn tính như tiêu chảy mạn, cảm nhiễm đường hô hấp nhiều lần gây nên.
Để điều trị Đông y thường kiện Tỳ, lưỡng vị để giúp trẻ hay ăn, chóng lớn. Các vị thuốc thường được dùng là: Hoài sơn, ý dĩ, bạch biển đậu, sa sâm, chất thải của con quy (con một gạo)… tán bột thành thuốc cam. Ngoài ra còn có nhiều loại cam như cam tỳ, cam can, cam gan…
Thuốc cam có thực sự tốt với trẻ?
Thuốc cam là thuốc Đông y gia truyền được nhiều mẹ có con nhỏ lười ăn, chậm lớn, hay ốm… mách nhau sử dụng để tăng cường sức khoẻ cho trẻ. Tuy nhiên, gần đây có hiện tượng trẻ bị ngộ độc chì do dùng thuốc cam bôi miệng. Vậy thực tế có gì khác nhau giữa hai loại thuốc cam này? Có nên dùng thuốc cam để chữa biếng ăn cho trẻ?
Loại thuốc cam chữa bệnh tay chân miệng gần đây báo chí nêu thực ra là cam miệng – cam tẩu mã. Do thiếu hiểu biết, một số người cho rằng các khoáng vật trên bôi vào miệng sẽ chữa khỏi nên đã sử dụng cho bé, điều này rất nguy hiểm vì hiện nay không loại trừ người ta đã sử dụng oxit chì nhân tạo bằng cách oxy hoá chì, nên hàm lượng chì rất cao, vì vậy đã dẫn đến ngộ độc, thậm chí tử vong. Đặc biệt nếu chẳng may con bị hàn mà mua phải loại cam hàn thì càng khiến bé tổn thương đường ruột đẫn đến đi ngoài hay nếu cam nhiệt mà mua phải thuốc nhiệt thì càng nhiệt thêm.
Vì vậy nếu thấy bé có biểu hiện khác thường nên đưa trẻ đến phòng khám nhi hoặc các cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra và có phương pháp điều trị hiệu quả nhất.
Cách phòng bệnh cam ở trẻ em
Để tránh hiện tượng viêm nhiễm kể trên, cần chú ý vệ sinh miệng trẻ cho sạch. Với trẻ còn bú mẹ hoặc ăn sữa nhân tạo, nếu thấy có cặn sữa nên rửa cho sạch, trước khi ăn, bằng nước đun sôi để nguội, hoặc bằng dung dịch bicacbonat loãng, nếu tưa nhiều có thể lau bằng mật ong và lau lại bằng nước đun sôi để nguội.
Trẻ lớn hơn 2, 3 tuổi, tập cho xúc miệng thường xuyên sau mỗi bữa ăn. Sáng ngủ dậy và tối trước khi đi ngủ, cần chú ý xúc miệng kỹ hơn, nhất là đối với trẻ thích ăn ngọt nhiều như kẹo, bánh ngọt… Nên tập cho trẻ có thói quen xúc miệng, đánh răng hàng ngày để vừa tránh được viêm miệng, vừa tránh được hỏng men răng do đường đọng lại trong miệng.
Ở trẻ bị bệnh sởi hoặc một số bệnh siêu vi trùng, thì hằng ngày phải thực hiện tốt vệ sinh miệng và cơ thể, dùng khăn nhúng nước ấm lau cho sạch mồ hôi và chất nhờn trên da, tránh tập quán cũ của một số bà mẹ kiêng khem quá mức, sợ nước không dám làm vệ sinh cho trẻ, khiến cho vi trùng đường miệng phát triển và dễ gây biến chứng cho trẻ. Cần phải phát hiện bệnh sớm ngay từ lúc chưa có biến chứng, để có hướng điều trị kịp thời, tránh chuyển thành nặng, nhiễm trùng kéo dài. Đặc biệt cần bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ.