Cận thị chính là tật khúc xạ của mắt khiến các bé không nhìn rõ được những vật ở xa, bệnh tuy không gây nguy hiểm nhưng khiến trẻ gặp rất nhiều phiền toái. Vì vậy các mẹ hãy cùng tìm hiểu bệnh cận thị ở trẻ em để hiểu rõ hơn về căn bệnh này nhé.
Cận thị là gì?
Cận thị có tên khoa học là Miopia – Đây là hiện tượng rối loạn thị giác, khi đó con người chỉ có khả năng phân biệt các chi tiết nhỏ của vật và hình ảnh nằm trong cự ly gần, những vật đó khi nằm ở cự ly xa sẽ được ghi nhận lại một cách lờ mờ không rõ nét. Vật càng ở xa bao nhiêu thì mắt người nhìn thấy vật đó càng kém bấy nhiêu.
Tính chất vật lý của sự rối loạn khúc xạ ở bệnh cận thị rất đơn giản: Hình ảnh của vật nhìn thấy không được hội tụ trên võng mạc như mắt bình hường mà sẽ hội tụ ở trước võng mạc, vì vậy người cận thị khi nhìn vật ở cự ly xa sẽ không rõ nét.
Triệu chứng bệnh cận thị ở trẻ
– Trẻ bị cận thị thường sẽ gặp khó khăn trong việc nhìn và đọc các vật ở xa. Mọi thứ sẽ trở nên lờ mờ, không rõ ràng, thậm chí đối với trường hợp nặng còn không xác định được đó là vật gì.
– Ngoài ra bệnh cận thị ở trẻ em còn có các triệu chứng khác như: Hay nheo mắt, mỏi mắt và nhức đầu. Bé sẽ cảm thấy mệt mỏi khi đi xe hoặc chơi thể thao…
Nguyên nhân gây bệnh cận thị ở trẻ
Có 2 nguyên nhân gây ra bệnh cận thị ở trẻ em, một là do thói quen sinh hoạt không khoa học hàng ngày của trẻ, hai là do di truyền từ bố mẹ sang con cái, trong đó nguyên nhân đầu tiên là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cận thị ở trẻ em do: Trẻ xem ti vi và đọc sách ở cự ly quá gần, thiếu ngủ, tư thế ngồi học không đúng, học tập và làm việc trong môi trường thiếu ánh sáng, trẻ sơ sinh thiếu tháng, lúc sinh ra quá bé…
Cách phòng bệnh cận thị cho trẻ
Bệnh cận thị ở trẻ em tuy không gây nguy hiểm nhưng cũng sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động của trẻ, vì vậy tốt nhất các bậc cha mẹ nên có cách phòng bệnh cho bé:
– Đảm bảo ánh sáng tốt cho trẻ khi học bài. Ánh sáng tốt (không phải là ánh sáng chói hoặc khó chịu) là yếu tố quan trọng trong công tác phòng chống cận thị. Sử dụng càng nhiều ánh sáng càng tốt khi đọc sách trong khi nhiều bậc cha mẹ không chú ý đến điều này.
– Mắt cần được nghỉ ngơi sau khi đọc sách, xem ti vi vì thế hãy chú ý thời gian nhắc nhở bé
– Giữ mắt đọc / viết tài liệu tối thiểu cách xa 30cm
– Khi tiếp xúc với máy tính, ti vi không được xem quá sát, để trẻ ngồi cách khoảng 50 cm.
– Hầu hết trẻ em đều có thói quen nằm trên giường để đọc sách, đọc truyện hoặc nằm ra sàn nhà nên cha mẹ cần hạn chế thói quen này của trẻ không để trẻ nằm đọc sách. Thói quen xấu này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mắt, vì khi đó khoảng cách giữa mắt và sách quá gần.
– Đảm bảo giấc ngủ cho trẻ: Ngủ sớm, ngủ đủ giấc và đúng giờ
– Tránh đọc tài liệu với phông chữ nhỏ, mờ, điều này sẽ khiến mắt của trẻ bị mỏi.
– Hoạt động ngoài trời hàng ngày, bổ sung thêm các thực phẩm tốt cho mắt của trẻ.