Bệnh chân tay miệng ở trẻ em rất dễ lây lan, nếu không được chăm sóc hợp lý có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm não dẫn đến tử vong. Bệnh này thường tự khỏi và chỉ có thể phòng tránh chứ vẫn chưa có thuốc đặc trị.
Nguyên nhân gây bệnh chân tay miệng trẻ em
Theo các bác sĩ của Bệnh viện Hồng Ngọc bệnh chân tay miệng thường xảy ra với trẻ dưới 5 tuổi và có khả năng lây lan thông qua tiếp xúc trực tiếp với dịch nước bọt, họng, nước mũi. Bệnh do các siêu vi trùng đường ruột có tên là enterovirus 71 và Coxsackieviruses A16 gây nên. Bệnh thường có biểu hiện chính là nổi bọng nước ở các vị trí như lòng bàn chân, lòng bàn tay, miệng, gối và mông.

Dấu hiệu nhận biết bệnh chân tay miệng ở trẻ em
Bệnh chân tay miệng ở trẻ em thường có các dấu hiệu nhận biết khác nhau tùy theo từng giai đoạn phát triển cụ thể. Trong đó, dấu hiệu chung thường thấy là:
– Trẻ sốt nhẹ, mệt mỏi, đau bụng, ho, đau họng, chán ăn…
– Da nổi các vết ban: Các nốt ban sẽ có màu hồng với đường kính vài mm sẽ nổi trên nền da vùng lòng bàn tay, lòng bàn chân, ngón tay, mông trong 1-2 ngày phát bệnh. Tiếp theo đó, các nốt ban phát triển tới kích thước 2-5 mm, hình bầu dục, ở giữa có màu xám. Các nốt ban này không gây đau đớn hay ngứa ngáy và thường kéo dài đến 10 ngày.
– Các vết ban xuất hiện ở miệng sẽ gây loét miệng, vết loét xuất hiện nhiều ở vòm miệng, trên lưỡi với đường kính 4-8 mm khiến trẻ thấy đau khi nuốt. Bạn cần chú ý tới những dấu hiệu này vì vết loét của bệnh chân tay miệng thường dễ bị nhầm lẫn với bệnh loét miệng thông thường.

Ngoài ra còn xuất hiện một vài dấu hiệu nhận biết bệnh chân tay miệng khác nữa, ba mẹ có thể xem thêm tại đây
Cách phòng tránh bệnh chân tay miệng trẻ
Hiện tại vẫn chưa có vắc xin chuyên dụng nên để phòng tránh bệnh một cách hiệu quả nhất, bạn nên tuân thủ các nguyên tắc sau:
– Giúp trẻ thường xuyên vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi vệ sinh.
– Tránh cho trẻ tiếp xúc với người đang mắc bệnh chân tay miệng.
– Hạn chế đưa trẻ tới chỗ đông người nếu không cần thiết trong thời gian diễn ra dịch bệnh.
– Vệ sinh đồ dùng, đồ chơi của trẻ sạch sẽ bằng dung dịch sát khuẩn.

Chăm sóc cho trẻ bị bệnh chân tay miệng
– Khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu như trên, cần đưa trẻ đến các phòng khám nhi để thăm khám và điều trị kịp thời. Nếu kết quả chẩn đoán trẻ mắc bệnh chân tay miệng, cần sớm cách ly trẻ để hạn chế nguy cơ lây lan, tránh hình thành ổ dịch.
– Tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ trong mọi trường hợp. Nếu bệnh được xác định ở thể nhẹ, bạn có thể cho bé theo dõi tại nhà và tái khám đúng theo lịch hẹn. Nhập viện ngay khi có chỉ định để trẻ được theo dõi trong môi trường y tế chuyên nghiệp.
– Chú ý theo dõi sát sao giấc ngủ và các cơn giật mình của trẻ (nếu có) vì đây chính là 2 dấu hiệu quan trọng nhận biết biến chứng nặng của bệnh. Trong trường hợp này, các cơn giật mình sẽ xuất hiện khi trẻ đang thiu thiu ngủ và cũng có thể xuất hiện ngay cả khi trẻ đang chơi và tỉnh táo.

– Phải xây dựng chế độ chăm sóc hợp lý, nhiều người thấy các nốt ban trên da trẻ nên thường không cho trẻ tắm và động vào nước. Thực tế, cần phải giữ vệ sinh thật sạch sẽ cho bé khi mắc bệnh. Bạn nên tắm cho trẻ bằng xà phòng sát khuẩn ở trong phòng kín, tránh gió. Đặc biệt, nên vệ sinh răng miệng sạch sẽ cho trẻ mỗi ngày. Cho trẻ súc miệng bằng nước muối nếu có thể.
– Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất, ăn cháo, uống sữa kết hợp tăng cường uống nước hoa quả giúp bổ sung vitamin cho bé nhanh khỏe.
Xem thêm: Dịch vụ khám tổng quát cho trẻ em tại bệnh viện Hồng Ngọc