Trong những năm gần đây, bệnh còi xương ở trẻ em đang có xu hướng gia tăng và trở thành căn bệnh phổ biến ở Việt Nam. Vì vậy, việc chữa trị còi xương cho trẻ đang là vấn đề quan tâm lớn của cộng đồng, đặc biệt là các bậc cha mẹ.
Bệnh còi xương là gì
Còi xương là bệnh thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi. Trẻ bị còi xương do cơ thể thiếu hụt vitamin D, là dưỡng chất giúp hấp thụ và chuyển hóa canxi và phospho. Thông thường, trẻ không được bú mẹ dễ mắc bệnh còi xương hơn những trẻ bú mẹ.
Cách phát hiện bệnh còi xương ở trẻ em
– Trẻ ngủ không yên giấc, hay quấy khóc và giật mình, đổ nhiều mồ hôi khi ngủ.
– Tóc vùng sau gáy rụng tạo thành hình vành khăn.
– Thóp rộng và lâu kín, bờ thóp mềm, có các bướu đỉnh, bướu trán (trán dô), đầu bẹp hình cá trê.
– Trong trường hợp bị còi xương ở giai đoạn nặng, trẻ có thể bị chuỗi hạt sườn, dô ức gà, vòng cổ chân, cổ tay, chân cong hình chữ X hoặc chữ O.
– Mọc răng chậm, chậm biết lẫy, bò, đi, đứng, hay bị táo bón và cơ nhão.
– Trong trường hợp còi xương cấp tính trẻ có thể bị co giật do hạ can xi máu.
Cách phòng và chữa bệnh còi xương ở trẻ em
Phòng bệnh còi xương cho trẻ
– Đối với các mẹ bầu, có thể bổ sung vitamin D khi thai được 7 tháng tuổi với liều lượng 600.000UI/3 tuần, mỗi tuần 200.000UI.
– Trẻ sơ sinh cần được ở phòng thoáng mát và đầy đủ ánh sáng, khoảng 2 tuần sau sinh, cần cho trẻ tắm nắng 15-20 phút/ ngày trước 9 giờ sáng mỗi ngày.
– Bổ sung vitamin D cho trẻ với liều lượng 400UI/ ngày trong suốt năm đầu tiên.
– Trong chế độ dinh dưỡng, nên cho trẻ ăn các loại thực phẩm có chứa nhiều canxi như sữa, trứng, tôm, cua, cá, rau xanh và dầu mỡ.
Chữa bệnh còi xương ở trẻ em
Với những trẻ bị còi xương dinh dưỡng: bổ sung thêm vitamin D và Canxi để phục hồi những thương tổn về xương. Chứng còi xương nếu được điều trị triệt để trong giai đoạn trẻ đang lớn thì những biến dạng xương sẽ được cải thiện và có thể hết, còn không thì những biến dạng xương này sẽ tồn tại vĩnh viễn.
Đối với trẻ bị còi xương do rối loạn chuyển hoá:
+ Bổ sung canxi, phốt pho và vitamin D dạng hoạt động (Calcitriol) ở liều cao để ngăn chặn biến chứng giảm canxi và phốt pho trong máu.
+ Bổ sung Vitamin D2 (ezgocalciferol), D3 (cholecalciferol) với liều lượng 2000-4000Ui/ngày x 4-6 tuần, sau đó tiếp tục dùng theo liều dự phòng. Tuy nhiên cần chú ý các dấu hiệu bị ngộ độc vitamin D ở trẻ trong quá trình điều trị.