Bệnh đái dầm là hiện tượng phổ biến ở trẻ em tuy có xu hướng giảm dần theo độ tuổi nhưng lại gây ra những phiền toái cho cả mẹ và bé. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin cơ bản về bệnh đái dầm ở trẻ em mà cha mẹ cần biết.
Phân loại các dạng đái dầm ở trẻ
Bệnh đái dầm ở trẻ được phân thành hai dạng: đái dầm tiên phát và đái dầm thứ phát. Đái dầm tiên phát là hiện tượng trẻ đái dầm diễn ra ngay từ lúc nhỏ và tiếp tục kéo dài sau 5 tuổi, dạng này chiếm 90% các ca đái dầm thường gặp ở trẻ.
Còn đái dầm thứ phát là hiện tượng trẻ đã từng khỏi trong thời kì khô ráo (3 tuổi) nhưng sau đó đái dầm lại ở giai đoạn 6-7 tuổi. Hai dạng đái dầm này do những nguyên nhân khác nhau gây ra.
Nguyên nhân gây ra bệnh đái dầm ở trẻ
-Do di truyền: Đái dầm ở trẻ em là chứng bệnh chịu ảnh hưởng nhiều từ yếu tố di truyền. Trong gia đình, nếu bố hoặc mẹ có tiền sử bị bệnh đái dầm, thì có khoảng 40% con cái họ cũng bị bệnh đái dầm. Còn nếu cả bố lẫn mẹ cùng mắc bệnh bệnh đái dầm thì 70 – 75% con cái họ sinh ra sẽ bị mắc chứng bệnh này.
– Do yếu tố sinh lí: Một số trẻ khi sinh ra bị những dị tật bẩm sinh của bàng quang; khả năng phát triển bàng quang không tốt, bàng quang nhỏ; hoặc không kiểm soát được cơ của ống dẫn tiểu cũng sẽ dẫn đến bệnh đái dầm.
– Trẻ bị rối loạn nội tiết, nhiễm khuẩn tiết niệu, tiểu đường, tắc đường tiểu …
– Rối loạn giấc ngủ: Nhiều trẻ khi ngủ mơ thấy mình đã đi tiểu ở ngoài mà không ý thức được là đã đái dầm trên giường.
– Hệ thần kinh trung ương của trẻ chậm phát triển dẫn tới não không được thông báo khi bàng quang đầy, khiến cho quá trình tiểu tiện diễn ra tự động, không kiểm soát được.
Cha mẹ nên làm gì khi trẻ đái dầm
Khi đái dầm, phần lớn trẻ sẽ rất mặc cảm, xấu hổ về điều này. Cha mẹ nên thấu hiểu tâm lí đó để giúp các bé vượt qua được sự tự ti đồng thời tìm được những cách trị bệnh hiệu quả nhất. Các bậc phụ huynh cần lưu ý một số điểm sau:
-Không nên la mắng, trách móc hay phạt bé vì tội đái dầm. Hãy giải thích với trẻ về hiện tượng đái dầm vào ban đêm và an ủi bé rằng đây không phải là lỗi của trẻ, có nhiều bạn cũng bị bệnh này.
-Không lấy chuyện bé đái dầm ra để chế nhạo và chê cười bé đồng thời cũng nhắc nhở mọi người trong gia đình không kể chuyện này với người khác. Vì nếu làm vậy sẽ ảnh hưởng không tốt tới tâm lí của các bé và có thể khiến bệnh ngày càng trầm trọng hơn.
-Cha mẹ hãy nhắc trẻ đi vệ sinh vào buổi tối trước khi đi ngủ. Khi xác định được khoảng thời gian mà trẻ hay đái dầm thì cha mẹ có thể đặt báo thức để gọi bé dậy đi vệ sinh.
-Dành nhiều lời khen ngợi khi bé có tiến bộ, không đái dầm vào ban đêm. Ngoài ra cha mẹ cũng nên hướng dẫn trẻ dọn dẹp, gấp chăn màn khi thức dậy để tạo thói quen tốt, giúp bé có tinh thần trách nhiệm.
-Hạn chế cho bé uống nhiều nước và ăn các thực phẩm nhiều nước vào buổi tối trước khi đi ngủ. Tuy nhiên nếu ban ngày trẻ chưa uống đủ nước thì vẫn nên cho trẻ uống vào buổi tối nhưng cần kiểm soát lượng nước trẻ uống sao cho phù hợp.
Điều quan trọng nhất khi trị bệnh đái dầm ở trẻ vẫn là sự quan tâm mà bố mẹ dành cho với trẻ. Cha mẹ nên giúp đỡ trẻ qua giai đoạn khó khăn này chứ đừng nên trừng phạt trẻ, cũng không nên đổ lỗi cho trẻ. Cần phải giúp trẻ hiểu biết về bệnh, có ý thức trách nhiệm để có thể làm được những gì cần phải tự làm.