Bệnh đái dầm ở trẻ gây ra không ít phiền toái cho cả mẹ và bé. Tuy đây không phải bệnh lí nguy hiểm nhưng nếu để lâu sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển về thể chất và tâm lí của trẻ.
Bệnh đái dầm ở trẻ là gì?
Bệnh đái dầm ở trẻ là biểu hiện của chứng tiểu không tự chủ, thường xảy ra vào ban đêm và thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Phân loại các loại bệnh đái dầm ở trẻ
– Đái dầm tiên phát: Đây là hiện tượng trẻ đái dầm từ bé đến lớn và liên tục.
– Đái dầm thứ phát: Đây là hiện tượng có một thời gian bé không đái dầm (ít nhất 6 tháng) nhưng sau đó đái dầm lại.
Nguyên nhân gây bệnh đái dầm ở trẻ
– Yếu tố di truyền: Bệnh đái dầm ở trẻ có ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền. Nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, nếu cha hoặc mẹ có tiền sử đái dầm, thì 44% trẻ sinh ra đều mắc bệnh đái dầm. Đặc biệt, nếu cả cha và mẹ cùng mắc bệnh thì 77% con cái họ “thừa hưởng” căn bệnh này.
– Yếu tố sinh lí: Một số trẻ bị dị tật bàng quang, rối loạn chức năng của bàng quang (dung tích bàng quang nhỏ nên chứa ít nước tiểu hoặc cơ chóp bàng quang tăng hoạt động và co bóp quá mức); thiếu nội tiết tố kháng bài niệu về đêm (khi nội tiết tố này bị giảm sẽ làm thận tăng sản xuất một lượng lớn nước tiểu trong khi ngủ) gây ra bệnh đái dầm.
– Do tâm lý: Bệnh đái dầm ở trẻ còn liên quan đến vấn đề cảm xúc như trẻ căng thẳng quá mức trước những áp đặt và kỳ vọng của bố mẹ, trẻ gặp những khó khăn, áp lực trong học hành, trẻ trải qua giai đoạn chuyển nhà, chuyển trường, mất người thân, những người xung quanh chế giễu khi trẻ đái dầm khiến trẻ tự ti, mặc cảm, xấu hổ… dẫn tới bệnh ngày càng trầm trọng hơn.
– Do bệnh lý: Trẻ bị thiếu hồng cầu hình liềm, rối loạn nội tiết, nhiễm khuẩn tiết niệu, tiểu đường, tắc đường tiểu… dẫn tới đái dầm, tiểu không kiểm soát. Ngoài ra, khi trẻ bị táo bón, cơ quan trực tràng bị đầy, phân bị đè nén vào bàng quang khiến cho cơ quan này gửi thông báo tới não như khi bàng quang bị đầy. Mặt khác, trực tràng đầy phân cũng khiến cho dung tích chứa nước tiểu của bàng quang bị giảm.
– Rối loạn giấc ngủ: Một số trẻ bị rối loạn phản xạ thức giấc để đi tiểu do sự phối hợp giữa bàng quang và não chưa “ăn ý”. Bên cạnh đó, một số trẻ do bị rối loạn giấc ngủ, mơ thấy mình đi tiểu ở ngoài nhưng lại không ý thức được mình đã đái dầm.
– Hệ thần kinh trung ương của trẻ chậm phát triển: Đây là nguyên nhân dẫn tới não không nhận được thông tin khi bàng quang đầy, khiến cho quá trình tiểu tiện diễn ra tự động.
Cha mẹ nên làm gì khi trẻ đái dầm?
Cha mẹ nên thấu hiểu tâm lý của trẻ mắc bệnh đái dầm, kiên nhẫn giúp các bé xoá tan mặc cảm và tìm cách trị bệnh hiệu quả cho con. Theo đó, lời khuyên cho các bậc phụ huynh đó là:
– Khi trẻ đái dầm, cha mẹ tuyệt đối không trách mắng hay phạt trẻ. Ngược lại, cần giải thích cặn kẽ cho trẻ hiểu đây là một chứng bệnh, an ủi bé rằng đây không phải là lỗi hay hành vi cố ý của trẻ và cũng có rất nhiều bạn khác gặp phải vấn đề này nên trẻ không cần phải quá lo lắng.
– Cha mẹ và những người thân trong gia đình nhất định không được đem chuyện trẻ đái dầm ra để chế giễu khiến trẻ thêm tự ti và bệnh diễn biến trầm trọng hơn.
– Rèn cho trẻ thói quen đi vệ sinh vào buổi tối trước khi đi ngủ. Hạn chế uống nhiều nước, ăn các thực phẩm nhiều nước hay uống các loại nước lợi tiểu vào ban đêm như râu ngô, nước sắn dây…
– Cần cho bé uống nước đầy đủ vào ban ngày để tạo ra phản xạ: khi có cảm giác bàng quang đã đầy nước tiểu, sẽ đáp ứng ngay với tín hiệu đầu tiên từ bàng quang tới cơ quan não bộ và đái kiệt mỗi lần tiểu tiện.
– Cha mẹ có thể đặt báo thức để gọi bé dậy đi vệ sinh khi đã xác định được khoảng thời gian mà trẻ hay đái dầm, giúp bé hình thành được thói quen đi vệ sinh đúng giờ, hạn chế hành vi đái dầm.
– Khen ngợi khi bé giúp cha mẹ dọn dẹp hậu quả của đái dầm như cùng mẹ thay ga giường, mang đồ bẩn đi giặt… Khi bé có tiến bộ, tỉnh dậy mà không đái dầm thì cha mẹ hãy dành nhiều lời khen, động viên cho bé.
– Chữa đái dầm ở trẻ bằng rau ngót: Các mẹ lấy khoảng 40g lá rau ngót tươi, đem rửa sạch rồi giã nát. Sau đó chế thêm nước đun sôi để nguội, khuấy đều, đợi lắng rồi lọc cho bé uống nước này hai lần/ngày. Cách chữa đái dầm bằng rau ngót là phương pháp đơn giản và hiệu quả rất cao, đem lại cho trẻ giấc ngủ sâu.
Điều trị dứt điểm bệnh đái dầm ở trẻ
Để điều trị dứt điểm bệnh đái dầm ở trẻ, cha mẹ nên đưa bé đến cơ sở y tế chuyên khoa uy tín lâu năm. Bé sẽ được bác sĩ khám sức khỏe để tìm ra nguyên nhân gây đái dầm và xác định bé đang mắc chứng đái dầm tiên phát hay thứ phát. Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm nước tiểu để xem bé có bị bệnh gì khác hay không.
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây đái dầm ở trẻ mà bác sĩ sẽ đưa ra một số phương pháp điều trị phù hợp như dùng thuốc, liệu pháp tâm lý hoặc thay đổi lối sống và chế độ ăn…
Nếu dùng thuốc, bác sĩ sẽ kê cho bé Desmopressin Acetate. Bên cạnh đó, để làm tăng thể tích của bàng quang, bác sĩ có thể kê một số thuốc kháng cholinergic. Trong một số trường hợp, loại thuốc chống trầm cảm Imipramine cũng được sử dụng để điều trị đái dầm ở trẻ.