Bệnh đầu to ở trẻ em là căn bệnh liên quan đến dị tật của hệ thần kinh, biểu hiện là đầu rất to. Đây là bệnh để lại nhiều di chứng nghiêm trọng và trì trệ về tâm thần nếu điều trị chậm trễ. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng ngừa và điều trị được nếu biết tận dụng “thời gian vàng”.
Bệnh đầu to ở trẻ em là gì?
Bệnh đầu to ở trẻ em, hay bệnh não úng thủy là một trong những dị tật của ống thần kinh, phần lớn là do bẩm sinh. Dị tật này sẽ để lại nhiều di chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ sau này.
Đây là tình trạng dư thừa một loại chất lỏng trong não mà từ chuyên môn gọi là dịch não tủy. Thông thường, dịch não tủy vẫn được tiết ra mỗi ngày. Ở trẻ không mắc bệnh, bộ não sẽ tự cân bằng lượng dịch này. Còn ở những trẻ mắc bệnh, não không thể tự cân bằng được, lượng dịch não tủy tiết ra nhiều hơn so với lượng dịch hấp thu vào máu. Sự dư thừa này làm cho đầu của bé ngày càng to dần, dẫn đến các nhu mô não bị tổn thương.
Có thể bạn quan tâm: khám tổng quát cho trẻ em ở đâu?
Triệu chứng, dấu hiệu nhận biết bệnh
Bệnh có các triệu chứng lâm sàng như: đầu to trên mức bình thường, trán rộng, thóp trước (mỏ ác) rộng và căng phồng. Trẻ hay quấy khóc, bú kém, nôn ói, ánh mắt luôn nhìn xuống (mắt mặt trời lặn). Nặng hơn, trẻ có thể bị liệt (thường gặp nhất là hai chi dưới), điếc, chậm phát triển tâm thần vận động. Hai tay và hai chân có thể mềm nhũn, kém linh hoạt…Các triệu chứng nói trên thường xuất hiện sau khi bé sinh được khoảng 1 tháng trở lên.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh đầu to ở trẻ em như: viêm não, viêm màng não mủ, xuất huyết não, xuất huyết não – màng não, sang chấn sản khoa và do bẩm sinh. Phần lớn bệnh đầu to ở trẻ em là do là bẩm sinh. Bệnh có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng trẻ em nào nhưng thường gặp nhất ở các bé dưới 1 tuổi, sẽ gây tổn thương trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương và để lại nhiều di chứng trầm trọng nếu không điều trị sớm và đúng cách.
Có thể điều trị được bệnh đầu to ở trẻ em không?
Với bệnh đầu to, nếu trẻ không được mổ sớm thì nhu mô não sẽ bị chèn ép, gây ra những di chứng cho sức khỏe của trẻ như mù, điếc, liệt hai chi, thậm chí là không nói được. Dưới sáu tháng tuổi sẽ là tuổi phẫu thuật tốt nhất cho các bé bị bệnh, đây được coi là “thời gian vàng”. Nếu được mổ sớm, đầu trẻ sẽ không bị to do ứ nước và trí tuệ của trẻ phát triển bình thường. Tuy nhiên, hiện nay đa số trẻ bị đầu to đến bệnh viện điều trị khi bệnh đã trầm trọng.
Nguyên nhân trẻ điều trị muộn là do hoàn cảnh kinh tế hoặc cha mẹ các bé thiếu những hiểu biết cơ bản về bệnh, thấy trẻ tuy đầu to nhưng vẫn ăn uống, hoạt động vui chơi bình thường nên không để ý. Cho đến khi thấy trẻ có biểu hiện bú ói, mắt lờ đờ chỉ thấy trắng mới vội vàng đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám. Với trình độ phát triển của y học như hiện nay thì có thể dùng phương pháp siêu âm để phát hiện bệnh ngay từ khi bé còn trong bụng mẹ. Vì vậy sau khi sinh, gia đình cần đưa trẻ đi khám sớm để được điều trị sớm.
Các bệnh liên quan tới dị tật ống thần kinh có thể phòng ngừa được nếu bà mẹ uống bổ sung acid folic trong thời kì mang thai. Acid folic giúp cho quá trình hình thành ống thần kinh được hoàn chỉnh. Ngoài tác dụng chống dị tật ống thần kinh, acid folic còn có vai trò quan trọng trong việc giúp gia tăng hồng cầu. Nếu thai phụ sử dụng đúng liều lượng còn giúp làm tăng trọng lượng em bé khi sinh và làm giảm nguy cơ mắc bệnh đầu to ở trẻ em.
Acid folic (còn gọi là vitamin B9) thuộc vitamin nhóm B, là một loại vitamin cần thiết cho dinh dưỡng hằng ngày của cơ thể, giúp tổng hợp AND và là một trong những vi chất quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của bào thai, nhất là hệ thần kinh. Vì vậy, các bác sĩ luôn khuyến cáo phụ nữ đã lập gia đình sử dụng acid folic trước khi có dự định mang thai khoảng ba tháng và trong ba tháng đầu tiên của thai kỳ. Acid folic cũng có nhiều trong các loại ngũ cốc, gan động vật, các loại rau có màu xanh đậm, khoai tây, cam…
Xem thêm: sàng lọc sơ sinh tại bệnh viện Hồng Ngọc