Động kinh là một bệnh thường gặp của não và khá phổ biến ở trẻ em. Biểu hiện của bệnh là trẻ thường bị những cơn co giật lặp đi, lặp lại nhiều lần. Hiện nay, nhiều phụ huynh vẫn còn khá mơ hồ và băn khoăn liệu bệnh động kinh ở trẻ em có nguy hiểm không, dưới đây là một số thông tin cụ thể về căn bệnh này.
Bệnh động kinh là gì?
Động kinh là sự rối loạn từng cơn chức năng của hệ thần kinh trung ương do sự phóng điện đột ngột quá mức nhất thời của các tế bào thần kinh ở não.
Trên thế giới có hơn 50 triệu người mắc bệnh động kinh với tỷ lệ mắc bệnh 0,15-1%, Nhật bản 0,36%, Thái Lan 0,72%. Tỷ lệ mắc ở Việt Nam 0,5%, trong đó trẻ em chiếm 30%.
Nguyên nhân mắc bệnh động kinh ở trẻ em
Trẻ bị mắc bệnh động kinh có thể do một số nguyên nhân sau:
– Do khó sinh: Đối với những ca sinh khó, bác sĩ thường phải can thiệp bằng cách dùng kẹp lôi ra hoặc giác hút. Trẻ sinh khó thường dễ bị ngạt thở dẫn đến thiếu oxy lên não, làm tổn thương não. Nếu không được chữa trị kịp thời, trẻ sẽ dễ bị động kinh về sau.
– Do trẻ bị các bệnh viêm não và viêm màng não: Khi trẻ bị các chứng bệnh này nếu không điều trị sớm sẽ để lại di chứng, gây nên bệnh động kinh.
– Do trẻ bị va đập hoặc chấn thương ở đầu: Trẻ bị ngã đập đầu, hoặc bị tai nạn xe, các vật cứng đập vào đầu cũng sẽ làm tổn thương não bộ. Đây được xem là nguyên nhân chính, thường gặp của bệnh động kinh ở trẻ em.
– Trẻ bị u não: Khi u não càng phát triển sẽ chèn lên các dây thần kinh, làm tê liệt hệ thống dây thần kinh và gây ra bệnh động kinh ở trẻ.
– Do yếu tố di truyền: Nếu trong gia đình có ông bà, hoặc cha mẹ bị bệnh động kinh thì nguy cơ trẻ bị động kinh là rất cao. Tuy nhiên điều này phải thông qua điện não đồ mới xác định được cụ thể.
Cách xử lý khi trẻ lên cơn động kinh
– Trước cơn: Rất khó lường trước, cần chú ý chăm sóc theo dõi sức khoẻ tốt cho trẻ: ở nhà, ở nhà trẻ, ở lớp, ở trường.
– Trong cơn: Gia đình cần giữ bình tĩnh, nới lỏng hết quần áo cho trẻ, giữ trẻ nằm nghiêng ở chỗ an toàn. Bên cạnh đó, cần thực hiện 5 không: Không nhét vật gì vào miệng trẻ; Không cho ăn, uống; Không cho uống thuốc; Không đè giữ; Không cho tiếp xúc các đồ vật trên da, trên người của trẻ. Có thể chườm đá, chườm khăn ướt để hạ sốt, xoa dầu nóng bàn chân, bàn tay cho trẻ.
– Sau cơn: Dùng khăn sạch lau đờm rãi, rửa chỗ xây xước, băng sạch, thay quần áo và đưa trẻ đến ngay bệnh viện để khám.
Bệnh động kinh ở trẻ có nguy hiểm không?
Nhiều bậc phụ huynh vẫn thắc mắc liệu bệnh động kinh ở trẻ có nguy hiểm không. Để làm rõ điều này, trước hết cần hiểu bản chất của căn bệnh và những biến chứng có thể gặp phải khi trẻ bị động kinh.
Có thể khẳng định, trong hầu hết trường hợp trẻ bị động kinh thì không nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu biết con bị động kinh thì cha mẹ cần giám sát bé kỹ hơn, đặc biệt là khi ở những nơi có thể gây tổn thương và nguy hiểm khi trẻ lên cơn co giật. Đồng thời, ở nhà cha mẹ cũng cần trải thảm dày dưới sàn và bọc lại các góc nhọn trên đồ vật.
Bên cạnh đó, có những trường hợp tuy rất hiếm gặp nhưng lại là những biến chứng nguy hiểm của bệnh động kinh. Đầu tiên là trạng thái động kinh, nghĩa là trẻ bị một cơn co giật (hoặc một chuỗi cơn co giật liên tục) xảy ra lâu quá 5 phút. Tình trạng này có thể khiến trẻ gặp nguy cơ tổn thương não, thậm chí tử vong.
Một trường hợp khác là hiện tượng đột tử không rõ nguyên nhân khi động kinh (SUDEP). Tình trạng này xảy ra ở những người bị động kinh nhưng không được điều trị kiểm soát, nhất là nếu họ thường xuyên co giật với đặc điểm là bị cứng cơ hoặc co giật rút cơ.