Ở nước ta, nhiễm giun sán là bệnh lý phổ biến và thường gặp ở trẻ em do ăn uống không sạch hoặc không rửa tay sạch sẽ trước khi ăn. Bài viết dưới đây cung cấp các kiến thức cần thiết về bệnh giun sán ở trẻ em, qua đó giúp cha mẹ hiểu thêm về căn bệnh này.
Biểu hiện của bệnh giun sán ở trẻ em
Thông thường, trẻ bị nhiễm giun sán sẽ có một số triệu chứng sau:
– Trẻ ăn uống kém hoặc không tăng cân dù vẫn ăn tốt.
– Trẻ bị đau bụng vùng quanh rốn hoặc đau thành cơn ở hố chậu phải. Nếu có nhiều giun đũa, trẻ thường bị đau khi đói, có thể bị nôn trớ hoặc buồn nôn vào buổi sáng.
– Một số trẻ có biểu hiện đi tướt và khi có quá nhiều giun có thể nôn hoặc đi ngoài ra giun.
– Trẻ có biểu hiện thiếu máu, da dẻ xanh xao, kém ngủ, đêm ngủ hay trằn trọc, có thể hay nằm sấp.
– Trẻ bị ngứa hậu môn nếu bị nhiễm giun kim, hậu môn bị viêm đỏ, bé gái có thể bị viêm âm đạo.
– Một số bé bị sốt, ho, kém ăn, cơ thể mệt mỏi do ấu trùng di chuyển ở phổi.
– Khi xét nghiệm máu thấy lượng bạch cầu ưa axit tăng và xét nghiệm phân thấy trứng giun.
Cách phòng bệnh giun sán ở trẻ em
– Tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần ở cho trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ.
– Luôn rửa tay sạch sẽ cho bé trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
– Giữ vệ sinh cho bé sạch sẽ.
– Cho bé ăn chín, uống sôi.
Điều trị bệnh giun sán ở trẻ em
Hiện nay, cách điều trị bệnh giun sán tốt nhất đối với trẻ là tẩy giun cho trẻ. Đối với trẻ từ 2 tuổi trở lên, nếu không có điều kiện làm xét nghiệm phân, cha mẹ có thể cho con tẩy giun mỗi năm một hoặc hai lần. Tuy nhiên, cần chú ý đến việc lựa chọn thuốc tẩy giun, cần phải sử dụng thuốc theo lời khuyên và sự hướng dẫn của bác sỹ hoặc dược sỹ.