Bệnh ho gà ở trẻ nếu không được chữa trị kịp thời có thể khiến trẻ suy hô hấp, viêm phổi, viêm não, thậm chí dẫn đến tử vong.
Sức đề kháng của trẻ nhỏ thường yếu, do đó rất dễ lây nhiễm các loại virut, vi khuẩn gây bệnh, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa. Ho gà là một trong những bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là đối với trẻ dưới 1 tuổi.
Ho gà ở trẻ là bệnh gì?

Ho gà là một bệnh nhiễm trùng thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh gây ra do sự xâm nhập và tấn công của vi khuẩn Bordetella pertussis. Chúng đi vào đường hô hấp trên rồi khu trú và phát triển ở lông mao biểu mô trụ của đường khí quản, thanh quản.
Tại đây, vi khuẩn Bordetella pertussis sẽ tiết ra một loại độc tố là Pertussis toxin, loại protein độc lực chính gây bệnh. Ho gà là bệnh lây lan qua đường hô hấp do vi khuẩn có trong dịch mũi họng bắn ra ngoài không khí khi ho, hắt hơi, ôm hôn… nên trẻ em từ 1 – 6 tuổi rất dễ mắc bệnh, trẻ càng nhỏ, bệnh càng nặng.
Ho gà là ho từng chuỗi kế tiếp nhau, càng lúc càng nhanh sau đó yếu dần và có giai đoạn hít vào thật sâu nghe như tiếng gà gáy. Đặc biệt, sau cơn ho, mặt đỏ môi tím, hai mắt sưng, thậm chí nôn mửa, nhiều dãi…
Nhiều người chủ quan với bệnh ho thông thường nên thường để bệnh nặng mới đi thăm khám. Theo thống kê của tổ chức WHO, trên thế giới mỗi năm có khoảng 30 – 50 triệu người mắc bệnh ho gà và con số tử vong lên đến 300.000 người, trong đó đa số là trẻ em dưới 1 tuổi và ở các nước chậm phát triển.
Thời tiết Đông – Xuân, không quá lạnh cũng không quá nóng là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn Bordetella pertussis sinh sôi và phát triển. Do đó, khoảng thời gian này, số ca mắc bệnh ho gà tăng đáng kể.
Triệu chứng bệnh ho gà ở trẻ

Bệnh ho gà rất dễ nhầm lẫn với các bệnh ho thông thường. Nếu có những biểu hiện dưới đây, rất có thể bé đã bị ho gà.
Ho gà thường phát triển theo 3 giai đoạn chính:
- Giai đoạn 1: Đây là giai đoạn đầu xuất tiết, bé ho kéo dài từ 1 – 2 tuần với triệu chứng như chảy nước mũi, họ nhẹ (chủ yếu ho vào ban đêm). Lúc này, những biểu hiện của bệnh ho gà ở trẻ rất giống với triệu chứng cảm cúm thông thường nên rất khó nhận biết.
- Giai đoạn 2: Từ 1 – 2 tuần kế tiếp sau giai đoạn đầu, các bé bắt đầu ho nhiều hơn, mỗi cơn ho cũng kéo dài và sặc sụa hơn. Người bé tím tái, nhất là môi và mắt sau mỗi cơn ho, thậm chí bé cảm thấy khó thở. Điều này khiến bé kiệt sức, mệt mỏi và biếng ăn, dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng.
- Giai đoạn 3: Đây là giai đoạn hồi phục sau một thời gian tương đối dài mắc bệnh. Các cơn ho của trẻ ngắn lại, số cơn cũng giảm, không còn liên tục và dữ dội như trước. Trẻ dần khỏe mạnh và ăn uống bình thường.
Ngoài ra, ở lứa tuổi khác nhau, bệnh cũng có những biểu hiện khác nhau. Cụ thể:

- Với trẻ trên 5 tuổi, khi bị ho gà, trẻ sẽ ho một tràng dài sau đó hút một hơi sâu rồi lại ho tiếp một tràng như vậy. Có nhiều trẻ, sau khi ho còn nôn ọe, nước dãi chảy và thỉnh thoảng còn xuất huyết ở củng mạc mắt.
- Ở trẻ sơ sinh, vì sức đề kháng yếu hơn nên xen lẫn các cơn ho là những cơn ngừng thở, cả người bé tím tái do thiếu oxy nặng. Trẻ sẽ xuất hiện những cơn ho liên tiếp, thậm chí kéo dài vài phút đến nửa tiếng. Sau cơn ho, trẻ vô cùng mệt mỏi và mất sức.
Giai đoạn đầu bệnh ho gà ở trẻ rất khó phân biệt với bệnh ho thông thường nên nếu thấy trẻ xuất hiện biểu hiện ho kéo dài thì ba mẹ nên đưa bé đến bệnh viện để thăm khám và điều trị kịp thời vì có thể bé đã mắc bệnh ho gà, nhất là đối với những trẻ chưa được tiêm phòng vắc-xin ho gà.
Tham khảo: Ho đờm ở trẻ em
Ho gà ở trẻ có biến chứng không?
Bệnh ho gà không phải là một bệnh ho bình thường mà nó có thể dẫn đến những biến chứng vô cùng nguy hiểm.
Viêm phổi: Nếu ho gà kéo dài, trẻ sẽ gặp phải biến chứng viêm phổi nặng, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ suy dinh dưỡng.
Viêm não: Đây là biến chứng vô cùng nguy hiểm của bệnh ho gà ở trẻ. Trẻ sốt cao li bì, hôn mê, co giật, dễ dẫn đến tử vong.
Các biến chứng cơ học: Khi bị ho gà, trẻ có thể bị lồng ruột, sa trực tràng, thoát vị… Trường hợp nặng trẻ có thể bị vỡ phế nang, tràn khí trung thất hoặc tràn khí màng phổi.
Biến chứng khác: Một số biến chứng có thể gặp khi bị ho gà là hiện tượng xuất huyết võng mạc, kết mạc mắt, bội nhiễm, rối loạn nước điện giải…

Phòng tránh bệnh ho gà ở trẻ như nào?
Để tránh những biến chứng có thể xảy ra và bảo vệ bé yêu luôn khỏe mạnh, ba mẹ cần có biện pháp để phòng tránh bệnh ho gà, không phải là đợi đến khi bé mắc bệnh mới lo đi chữa trị. Các mẹ có thể giúp bé phòng bệnh bằng một số biện pháp dưới đây:
- Tiêm vắc xin ngừa bệnh ho gà là biện pháp đem lại hiệu quả phòng bệnh cao nhất ngay từ khi bé mới sinh ra. Mẹ có thể chọn tiêm vắc xin DTP vừa phòng bệnh ho gà, phối hợp phòng bệnh bạch hầu, uốn ván… hoặc vắc xin Quinvaxem vừa phòng ho gà vừa kết hợp phòng bệnh uốn ván, bạch hầu, virut viêm gan B và Haemophilus influenzae type b.
- Phụ huynh cần chú ý tắm rửa sạch sẽ, vệ sinh răng miệng, mũi họng cho bé cẩn thận, hạn chế đưa con đến những vùng ổ dịch hoặc có nguy cơ gây bệnh.
- Không cho trẻ tiếp xúc với những người bị bệnh vì rất dễ lây lan, nhất là đối với những bé chưa được tiêm phòng vắc xin ngừa bệnh.
- Khi bé xuất hiện ho sốt cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay để thăm khám và điều trị kịp thời dù là bệnh ho gà hay ho bình thường.
Như vậy, bệnh ho gà ở trẻ là một bệnh thường gặp và nguy hiểm nên ba mẹ cần có thêm nhiều kiến thức về bệnh để có thể bảo vệ con yêu khỏe mạnh.