Bệnh quai bị ở trẻ em cần được điều trị và chăm sóc đúng cách nếu không sẽ để lại hậu quả lâu dài với sức khỏe của trẻ. Vậy ba mẹ đã nắm vững kiến thức về căn bệnh này hay chưa?

Bệnh quai bị ở trẻ em là gì?
Bệnh quai bị ở trẻ em do virus Paramyxo gây nên. Khi virus xâm nhập vào niêm mạc miệng, trẻ sẽ bị viêm tuyến mang tai khiến vùng má sưng to lên, miệng đau và khó nuốt. Bệnh có thời gian ủ bệnh dài từ 2 – 3 tuần và thường bị nhầm lẫn với nhức răng thông thường. Chỉ khi vùng má sưng to thì ba mẹ mới biết là con bị quai bị.

Thời điểm chuyển mùa đông – xuân thời tiết thay đổi, bệnh quai bị ở trẻ em bùng phát mạnh mẽ, nhất là ở những nơi đông người như trường học, nhà trẻ… Trẻ em dưới 10 tuổi là nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao nhất vì hệ miễn dịch non yếu. Bệnh lại dễ lây lan do virus truyền qua đường hô hấp và có trong nước bọt bị nhiễm khuẩn. Chỉ cần trẻ ho hay hắt hơi thì những người xung quanh rất dễ bị nhiễm bệnh.
Bệnh quai bị ở trẻ em có những biến chứng gì?
Bệnh quai bị ở trẻ em có thể gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm nếu không có sự can thiệp của các bác sĩ. Thông thường, trẻ bị bệnh quai bị thể nặng sẽ có triệu chứng cấp tính như sốt cao, nôn mửa, co giật… Trong đó 16% trẻ mắc quai bị gặp biến chứng viêm màng não. Khi tuyến nước bọt sưng viêm sau khoảng 2-3 tuần lễ, xác suất biến chứng viêm não là 0.5%, tuy không cao nhưng ba mẹ tuyệt đối không được chủ quan.

Biến chứng thường gặp nhất và không kém phần nguy hiểm ở những bé trai mắc bệnh quai bị là chứng viêm tinh hoàn. Khoảng 1 tuần sau khi bị quai bị, trẻ sẽ sốt cao lên tới 40 độ, toàn thân lạnh run, ói mửa và đau bụng, trẻ cũng sẽ bị nhức đầu và ói mửa liên tục, sau đó tinh hoàn sưng to rất đau. Nếu không được điều trị dứt điểm tại các chuyên khoa nhi, trẻ có thể bị teo tinh hoàn dẫn đến vô sinh nam sau này. Biến chứng này chiếm khoảng 2% số bé trai mắc quai bị, nhưng ba mẹ không nên loại trừ nguy cơ này khi chăm sóc con. Ở các bé gái, 4% trường hợp trẻ mắc quai bị bị biến chứng viêm buồng trứng.

Ngoài ra, bệnh quai bị ở trẻ em có thể tác động vào các dây thần kinh sọ não gây biến chứng điếc 1 hoặc thậm chí cả 2 bên tai. Các biến chứng liên quan đến thần kinh khác như viêm tủy, viêm rễ thần kinh thì hiếm xảy ra hơn. Vì thế khi xuất hiện các dấu hiệu của bệnh quai bị ở trẻ bạn nên khám tổng quát cho trẻ em ngay để kịp thời điều trị.
Xem thêm: Cách chữa bệnh quai bị ở trẻ em hiệu quả