Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em là căn bệnh nguy hiểm nhiều biến chứng và rất dễ lây lan nếu ba mẹ không có những kiến thức cần thiết về chăm sóc và cách phòng ngừa.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em

Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em được đặt tên theo 2 triệu chứng chính của bệnh là sốt và xuất huyết. Những ngày đầu, trẻ sẽ có triệu chứng là sốt cao, nổi ban ngoài da, toàn thân đau nhức, mệt mỏi dẫn đến biếng ăn. Đây là triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với các bệnh do virus như sốt virus, sốt phát ban… Chỉ đến khi triệu chứng sốt kéo dài nhiều ngày đến 1 tuần, kèm theo hiện tượng nổi chấm đỏ dưới dạng xuất huyết dưới da, đi ngoài phân đen, chảy máu mũi và chảy máu chân răng, các cơ đau nhức, buồn nôn,… trẻ mới được chẩn đoán chính xác là mắc sốt xuất huyết. Do đó, bệnh cần được theo dõi kỹ các triệu chứng để được khám tổng quát và chăm sóc đúng cách. Vì đây cũng là một căn bệnh có thể gây biến chứng nặng dẫn đến tổn thương các cơ quan như tim, phổi, não, hay gan…

Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em là căn bệnh lây lan rất nhanh khi trẻ bị muỗi đốt mà lại có sức đề kháng yếu. Trẻ em thường ham chơi và hiếu động, thân nhiệt và nhịp thở của trẻ cũng cao hơn người lớn nên dễ bị muỗi đốt hơn. Đó là nguyên nhân vì sao đa số các ca mắc sốt xuất huyết đều là trẻ em.
Những lưu ý khi chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết
Với bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em, các bậc phụ huynh cần lưu ý các điểm sau để ngăn ngừa các biến chứng và giúp bé mau chóng lành bệnh:
- Không tự ý cho trẻ dùng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt là các loại thuốc hạ sốt như Ibuprofen hay Aspirin vì trẻ có thể bị xuất huyết nặng hơn.
- Trong quá trình bị bệnh, trẻ sẽ trở nên biếng ăn và dễ sút cân. Hãy cho bé ăn đồ ăn loãng dễ tiêu kết hợp với nước trái cây để trẻ tăng cường sức đề kháng.

- Không cho bé uống những loại nước có màu đỏ hoặc đen như Pepsi, Coca… vì sẽ khó theo dõi tình trạng xuất huyết tiêu hóa.
- Cách xử trí tốt nhất khi trẻ bị sốt xuất huyết là đưa con đến chuyên khoa nhi của các cơ sở y tế để được điều trị, tuyệt đối không cho trẻ truyền dịch tại các cơ sở y tế tư nhân không có uy tín. Vì có nhiều trường hợp truyền dịch không đúng khiến trẻ bị biến chứng, thậm chí là dẫn đến tử vong.
Phòng tránh sốt xuất huyết như thế nào?

Hiện tại, chưa có vắc xin ngừa sốt xuất huyết. Để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh ở trẻ, ba mẹ nên giữ gìn môi trường sống xung quanh, không ở gần nơi ẩm thấp, có ao tù, nước đọng tạo điều kiện cho muỗi và loăng quăng sinh sống. Vào mùa hè hay thời tiết giao mùa nhiều muỗi, có thể dùng kem chống muỗi cho bé hàng ngày. Bên cạnh đó, hãy cho con uống nước trái cây và ăn nhiều rau củ quả để tăng cường sức đề kháng.