Bệnh suy dinh dưỡng ở trẻ em là tình trạng thiếu hụt các chất dinh dưỡng thiết yếu dẫn tới tình trạng suy giảm sức đề kháng, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển toàn diện về thể chất lẫn trí tuệ của trẻ.
Nguyên nhân trẻ bệnh suy dinh dưỡng ở trẻ em
-Do chế độ dinh dưỡng: nguyên nhân thường gặp nhất là do mẹ thiếu kiến thức dinh dưỡng dẫn tới cho trẻ ăn không đúng cả về số lượng và chất lượng. Ngoài ra, nuôi con không đúng cách khi mẹ thiếu hoặc mất sữa, không có thời gian chăm sóc con cái cũng khiến trẻ bị suy dinh dưỡng.
-Do ốm đau: Trẻ mắc một số bệnh nhiễm khuẩn về đường hô hấp, hệ tiêu hóa nhiều lần, gặp biến chứng sau khi mắc các bệnh viêm phổi, sởi, kiết lỵ…
-Do trẻ bị dị tật: Trẻ sinh non, bị suy dinh dưỡng bào thai, tim bẩm sinh, dị tật sứt môi, hở hàm ếch.
-Do điều kiện vật chất: Đây là căn bệnh của nghèo nàn và lạc hậu, có liên quan chặt chẽ đến kinh tế, văn hóa. Là hệ bệnh tật đặc trưng ở các nước đang phát triển.
Muốn biết trẻ có bị bệnh suy dinh dưỡng hay không các mẹ cần theo dõi cân nặng cho trẻ trên biểu đồ phát triển. Nếu 2-3 tháng trẻ không tăng cân phải đưa trẻ đi khám để tìm hiểu nguyên nhân. Theo tiêu chuẩn cân nặng/tuổi, bệnh suy dinh dưỡng ở trẻ em được chia làm 3 cấp độ:
-Suy dinh dưỡng cấp độ I: Trọng lượng của trẻ còn 90% so với tuổi
-Suy dinh dưỡng cấp độ II: Trọng lượng của trẻ còn 75% so với tuổi
-Suy dinh dưỡng cấp độ III: Trọng lượng của trẻ còn dưới 60% so với tuổi.
Dấu hiệu bệnh suy dinh dưỡng ở trẻ em
-Không tăng cân hoặc giảm cân
-Mỡ ở cánh tay teo lại, thịt nhão.
-Lớp mỡ dưới da bụng bị teo nhỏ
-Da xanh tái, tóc lưa thưa, dễ gãy rụng, đổi màu.
-Ăn kém và hay bị rối loạn tiêu hóa.
-Chậm phát triển vận động.
-Trẻ biếng ăn, môi xanh, niêm mạc mắt nhợt nhạt, hay buồn bực, quấy khóc, ít vui chơi, kém linh hoạt.
-Thể nặng: Bị phù hoặc teo đét, có thể là biểu hiện của thiếu vitamin gây ra bệnh quáng gà, khô giác mạc, loét giác mạc. Tuy nhiên, thể nặng này rất hiếm gặp.
Các mẹ cần làm gì khi trẻ bị suy dinh dưỡng
–Bệnh suy dinh dưỡng ở trẻ em cấp độ I và II: Điều trị bằng chế độ ăn uống và chăm sóc. Cho trẻ bú mẹ đầy đủ theo nhu cầu. Nếu mẹ thiếu hoặc mất sữa có thể dùng sữa bột công thức theo tháng tuổi, hoặc sữa đậu nành.
-Đối với trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên cho trẻ ăn dặm bổ sung theo tháng tuổi nhưng tăng số bữa ăn lên, thức ăn đầy đủ dinh dưỡng. Có thể tăng năng lượng của bữa ăn bằng cách cho tăng thêm enzym tiêu hóa trong các loại hạt nảy mầm để làm lỏng và tăng độ nhiệt lượng của thức ăn. Cụ thể là: có thể dùng giá đậu xanh để tăng lượng bột khô lên 2-3 lần mà độ lỏng của bột vẫn giữ nguyên. Cứ 10g bột sẽ cho 10g giá đậu xanh đã giã nhỏ và lọc lấy nước.
Ngoài ra, các mẹ có thể tham khảo để kết hợp những loại thực phẩm sau trong khẩu phần ăn cho trẻ bị bệnh suy dinh dưỡng như:
-Thực phẩm giàu tinh bột: Gạo, khoai tây, ngũ cốc,..
-Thực phẩm giàu đạm: thịt gà, lợn, bò, trứng, tôm, cua, cá, các loại đậu.
-Các loại rau xanh, củ, quả
-Dầu, mỡ, các chất béo.