Bệnh suy thận ở trẻ em đang trở thành mối lo, nỗi ám ảnh của nhiều gia đình. Mỗi ngày trôi qua số trẻ nhập viện điều trị suy thận càng đông và trong số đó nhiều trường hợp phải chạy thận nhân tạo gây không ít khó khăn, tốn kém.
Bệnh suy thận ở trẻ em – Nhiều người không ngờ tới
Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Thúy, Khoa Thận – nội tiết Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM cho biết: Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị suy thận phải chạy thận nhân tạo như: Dị tật bẩm sinh tại thận, viêm cầu thận cấp gây suy thận mạn, hội chứng thận hư, và nhiều trường hợp không tìm được nguyên nhân. Tuy nhiên phần lớn các trường hợp khi phát hiện đều đã nặng vì hầu hết ít ai ngờ rằng con mình mắc bệnh thận.
Mẹ bé Nguyễn Mai Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) tâm sự: “Bé phát triển bình thường nhưng đến khi được chín tuổi thì người bị phù, đi lại một chút là mệt, tôi không biết con bị bệnh gì. Gia đình đưa cháu lên thành phố khám, bác sĩ kết luận cháu bị suy thận giai đoạn cuối và phải chạy thận một tuần ba lần”.
Mẹ bé Hoàng Thùy Linh (Đội Cấn, Hà Nội) cũng chia sẻ: “Cháu năm nay 12 tuổi nhưng vóc dáng chỉ như đứa trẻ lên bảy. Cả gia đình chỉ nghĩ cháu bị suy dinh dưỡng, ai ngờ khi phát hiện thấy dấu hiệu bất thường và cho cháu đi kiểm tra bác sĩ đã bảo cháu bị suy thận giai đoạn cuối”.
Bệnh thận không chỉ xảy ra ở người lớn mà còn khiến nhiều trẻ phải khổ sở với căn bệnh này. Rất nhiều bậc cha mẹ khi đưa con đi khám bệnh đều ngạc nhiên khi con mình mắc bệnh về thận. Thực tế trẻ có thể mắc bệnh thận từ khi còn trong bào thai, lúc mới sinh hay bất cứ độ tuổi nào trong quá trình tăng trưởng và phát triển. Vì vậy cha mẹ cần theo dõi tình hình sức khỏe của con. Biện pháp an toàn để phát hiện sớm các bệnh cũng như đảm bảo sức khỏe cho bé là cho trẻ đi khám sức khỏe định kỳ thường xuyên.
Các bệnh thận thường gặp ở trẻ em
1. Nhiễm trùng tiểu ở trẻ em
Bao gồm bệnh cảnh viêm bể thận (nhiễm trùng đường tiểu cao) và viêm bàng quang (viêm đường tiểu thấp).
Viêm bể thận:
Triệu chứng định bệnh rất mơ hồ đối với trẻ dưới 1 tuổi, do đó bác sĩ nhi khoa phải linh hoạt để chẩn đoán kịp thời: Trẻ có thể sốt rất cao từ 39,50C – 400C kèm lạnh run nhưng đôi khi ở trẻ sơ sinh lại có biểu hiện hạ thân nhiệt. Bé sẽ bỏ bú, hay ọc sữa, đôi khi tiêu chảy, khóc thét khi đi tiểu. Ở trẻ lớn sẽ dễ định bệnh hơn vì trẻ có thể kể cho cha mẹ và bác sĩ nghe một số triệu chứng: Trẻ bị tiểu đau, rát, tiểu nhiều lần, đau hố thắt lưng…
Viêm bàng quang:
Trẻ không sốt, chỉ tiểu đau, rát, tiểu khó, tiểu nhiều lần, nước tiểu có thể có máu, thậm chí nhiều trẻ sợ không dám đi tiểu. Hay gặp viêm bàng quang ở trẻ tuổi mẫu giáo, do sợ đi tiểu nên các bé nhịn uống nước.
2. Bệnh viêm cầu thận cấp
– Lứa tuổi thường gặp là trẻ từ 3 – 15 tuổi, trẻ phù toàn thân do giữ muối nước, tiểu ít, tiểu máu đại thể, trẻ tăng cân đột ngột trong vài ngày. Nguyên nhân bệnh viêm cầu thận có thể do trẻ bị nhiễm trùng da hoặc viêm mũi họng trước đó 10 ngày đến 2 tuần mà không điều trị.
Bệnh thận ở trẻ em có xảy ra biến chứng?
Bệnh viêm cầu thận nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nặng đe dọa tính mạng của trẻ như: Cao huyết áp, suy tim, phù phổi cấp, co giật và tử vong.
Một số bệnh thận có thể có biến chứng trong vài ngày đầu của bệnh do bị tăng huyết áp khiến bé co giật, hôn mê, thậm chí nhiều bé cần phải được mổ ngay…
Ngược lại, có những bệnh thận cần phải được điều trị và theo dõi tái khám như: Bệnh hội chứng thận hư cần được uống thuốc và theo dõi tái khám theo định kỳ.