Nhiều bậc cha mẹ khi con bị bệnh phải lấy máu làm xét nghiệm mới biết rằng con mình bị thiếu máu. Vậy bệnh thiếu máu ở trẻ em có nguy hiểm không? Các mẹ hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây để có thêm kiến thức chăm sóc bé yêu tốt nhất nhé.
Thiếu máu là gì?
Thiếu máu là tình trạng bất thường của hồng cầu hoặc những trẻ có lượng hemoglobin thấp hơn bình thường (hemoglobin chính là nguyên liệu tạo nên hồng cầu). Hồng cầu đóng vai trò như “chiếc xe tải” dùng để chở oxy trong máu. Khi ta thở vào, không khí có chứa oxy sẽ đi vào phổi, oxy được khuyếch tán từ phổi vào trong máu, đồng thời oxy được gắn lên bề mặt của hồng cầu và hồng cầu chở oxy đến khắp các cơ quan trong cơ thể.
Tại sao trẻ bị thiếu máu?
Hồng cầu sinh ra không đủ:
– Có nhiều lý do tạo không đủ hồng cầu trong đó nguyên nhân chính là do thiếu sắt. Khi không có sắt, cơ thể không tạo được hemoglobin, nên hồng cầu cũng không được sản sinh.
– Thiếu Acid folic và vitamin B12 – nguyên liệu cần thiết để tạo hồng cầu.
– Thiếu máu có thể do tủy xương sản sinh hồng cầu không phù hợp.
– Trường hợp trẻ biếng ăn, còi xương, suy dinh dưỡng, nhiễm trùng, có bệnh lý mãn tính tủy xương thì lượng hồng cầu sản sinh sẽ ít hơn bình thường.
– Một số trường hợp rất hiếm gặp, tủy xương không có khả năng sản sinh hồng cầu.
– Ngoài ra một số thuốc như: Thuốc chống ung thư, cũng ức chế tủy xương tạo hồng cầu.
Hồng cầu chết quá nhiều: Một trong những lý do là bệnh lý làm thay đổi hình dạng hồng cầu. Nếu chúng ta quan sát qua kính hiển vi, hồng cầu bình thường có hình tròn và dẹt. Đó là hình dạng tốt nhất để hồng cầu có thể di chuyển qua những nơi hẹp như là các mạch máu nhỏ để đi khắp cơ thể.
Các dạng bệnh thiếu máu ở trẻ em
– Bệnh thiếu máu do thiếu sắt: Đây là dạng phổ biến nhất ở trẻ em. Bệnh thường xảy ra do thiếu chất sắt trong chế độ ăn uống. Cơ thể cần chất sắt để sản sinh ra huyết sắc tố, nếu có quá ít chất sắt, sẽ không có đủ huyết sắc tố tạo ra tế bào hồng cầu gây nên bệnh thiếu máu ở trẻ. Trẻ nhỏ sử dụng sữa bò quá sớm thường bị thiếu máu thiếu sắt do sữa bò có rất ít chất sắt, khó tiêu hóa, gây khó chịu đường ruột và gây chảy máu nhẹ ở trẻ nhũ nhi. Việc chảy máu sẽ làm giảm lượng hồng cầu và có thể dẫn đến thiếu máu.
Thiếu máu do thiếu hụt các chất dinh dưỡng: Tình trạng có quá ít chất axit folic cũng có thể dẫn đến thiếu máu do thiếu axit folic (Bệnh thường gặp ở những trẻ em được cho uống sữa dê – loại sữa có rất ít chất axit folic). Thiếu vitamin E, B12 hoặc chất đồng cũng có thể gây ra thiếu máu, nhưng trường hợp này rất hiếm.
Thiếu máu do mất máu: Tình trạng mất máu có thể do trẻ đau ốm hoặc bị thương. Trong một số ca hiếm, tình trạng máu không đông và gây ra chảy máu nghiêm trọng ở trẻ mới sinh khi chỉ bị thương nhẹ hay khi bị cắt bao qui đầu.
Bệnh thiếu máu do vỡ hồng cầu hay thiếu máu huyết tán xảy ra khi hồng cầu dễ dàng bị phân hủy. Bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm là một dạng thiếu máu do vỡ hồng cầu nghiêm trọng, phổ biến nhất ở trẻ em gốc Châu Phi. Bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm do một huyết sắc tố bất thường gây ra. Trẻ em bị bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm sẽ có những cơn đau dữ dội và cần phải nhập viện.
Bệnh thiếu máu vùng Địa Trung Hải, một dạng thiếu máu vỡ hồng cầu khác, xảy ra phổ biến nhất ở trẻ em gốc Địa Trung Hải hoặc Đông Á. Nếu gia đình bạn có tiền sử bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm hoặc thiếu máu vùng Địa Trung Hải, phải nhớ báo cho bác sĩ nhi khoa biết để tiến hành xét nghiệm cho con mình.