Thủy đậu là một bệnh nhiễm trùng do vi-rút varicella-zoster gây ra. Bệnh thủy đậu ở trẻ em rất phổ biến và thường gây nguy hiểm cho những người có vấn đề về hệ thống miễn dịch. Chẳng hạn như bệnh bạch cầu, hoặc người đang dùng thuốc làm suy yếu hệ thống miễn dịch như steroid.
Dấu hiệu nhận biết bệnh thủy đậu
Bệnh thủy đậu bắt đầu bằng những đốm đỏ xuất hiện rải rác trên cơ thể.
Khi bệnh nặng hơn, các đốm mọng lên, chứa đầy dịch và trở thành mụn nước. Các mụn nước rất dễ bị vỡ khi bị ma sát và chúng phát tán mầm bệnh ra vùng da xung quanh, vào không khí, lây lan rất nhanh.
Giai đoạn mụn nước phình to, mụn vỡ phát tán nguồn bệnh. Các mụn già kết vảy thì các mụn khác lại bắt đầu sinh sôi.

Triệu chứng bệnh thủy đậu
Trẻ bị nhiễm vi-rút thủy đậu thường không có triệu chứng cho đến 2-3 tuần sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Cơ thể phát bệnh bắt đầu trở nên mệt mỏi. Trong 3-5 ngày phát ban bùng phát. Chúng xuất hiện trước tiên ở ngực, lưng, bụng hoặc mặt. Sau đó lan ra các bộ phận khác như tai, mắt, bộ phận sinh dục…Cùng với các biểu hiện trên da, người bị bệnh thủy đậu có thể xuất hiện kèm các triệu chứng sau:
- Sốt cao trên 38o
- Cơ thể mệt mỏi, trở nên đau nhức.
- Chán ăn, ngủ không ngon, cảm thấy râm ran ngứa ở những vùng da xuất hiện nốt đỏ.
- Trẻ em nhỏ thường quấy khóc không ngừng.
Biến chứng thủy đậu và rủi ro
Trẻ khỏe mạnh hầu hết bị phát ban có ngứa nhưng không có biến chứng nào khác. Đôi khi, vết loét thủy đậu có thể bị nhiễm khuẩn. Các vi khuẩn có thể tiếp tục gây ra các bệnh khác như viêm phổi và viêm não. Một số trẻ bị thủy đậu không được điều trị kịp thời khiến mụn bị lở loét có thể làm bệnh tình trở nên nghiêm trọng hơn. Chỗ bị mụn sau này sẽ để lại sẹo trên da.

Những trẻ em nằm trong nhóm đối tượng dưới đây có nguy cơ nhiễm bệnh cao hoặc bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi tiếp xúc với nguồn bệnh:
- Trẻ sơ sinh
- Trẻ em có khả năng miễn dịch thấp
- Trẻ em không được tiêm vắc-xin
- Trẻ bị ung thư
- Trẻ em đang dùng thuốc ức chế miễn dịch như corticosteroid liều cao .
Những đứa trẻ này cần tránh xa những người bị thủy đậu hoặc những người có thể đã bị nhiễm thủy đậu nhưng vẫn chưa có triệu chứng.
Thủy đậu lây lan qua đường nào?
Thủy đậu lây lan dễ dàng nhất là vào ngày trước khi phát ban xuất hiện.
- Nó lây lan từ người sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với vi-rút. Ví dụ như bạn chạm vào mụn nước, da, nước bọt của người bị thủy đậu. Vi-rút xâm nhập vào cơ thể bằng mũi hoặc miệng.
- Bệnh cũng có thể lây sang bạn qua không khí nếu bạn ở gần người bị thủy đậu đang ho hoặc hắt hơi.
- Một phụ nữ mang thai bị thủy đậu có thể truyền cho em bé trước khi sinh. Phụ nữ mang thai bị thủy đậu sẽ gây ra nguy cơ dị tật thai nhi rất cao.
- Người mẹ bị thủy đậu cũng có thể lây sang trẻ sơ sinh sau khi sinh.
Cách duy nhất để ngăn chặn sự lây lan vi-rút từ người sang người là cách ly người bị bệnh với người khỏe mạnh. Thủy đậu không thể lây lan qua tiếp xúc gián tiếp.

Phòng chống bệnh thủy đậu ở trẻ em
Cách tốt nhất để phòng tránh bệnh thủy đậu ở trẻ em là tiêm chủng vắc-xin. Tiêm phòng thủy đậu có hiệu quả khoảng 90%. Lịch tiêm như sau:
- Tiêm mũi đầu tiên khi trẻ đủ 12 tháng. Mũi thứ 2 khi trẻ 4 tuổi.
- Trẻ dưới 12 tuổi chưa tiêm từ khi sinh ra thì tiêm 2 mũi, cách nhau ít nhất 3 tháng.
- Trẻ từ 13 tuổi trở lên, người lớn thì tiêm 2 mũi cách nhau tối thiểu 1.5 tháng.
- Phụ nữ chuẩn bị mang thai tiêm trước khi mang thai 3 tháng.
Một số trường hợp không nên tiêm vắc-xin thủy đậu:
- Người bị dị ứng với vắc-xin hoặc một thành phần nào đó.
- Bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh
- Mắc một số bệnh như Ung thư, tim mạch, gan thận, bất thường về máu, nhiễm HIV, đang sốt cao hay suy dinh dưỡng, trẻ đang điều trị bằng bất cứ loại thuốc nào nên tham khảo ý kiến bác sỹ.
- Người đang mang thai hoặc có ý định mang thai dưới 3 tháng.

Bị thủy đậu nên làm như thế nào?
Bệnh thủy đậu do vi-rút gây ra vì vậy không được điều trị bằng kháng sinh. Chỉ dùng khi bệnh diễn biến thành lở loét, viêm nhiễm do mụn vỡ, trẻ gãi…
Bác sỹ sẽ kê đơn phù hợp với con của bạn và thường cho bé thuốc bôi để sát khuẩn ngăn chặn sự phát sinh của vi khuẩn gây nhiễm trùng. Đa phần bệnh sẽ tự khỏi sau khoảng 15-30 ngày.
- Để giảm các triệu chứng khác của bệnh bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:
- Tắm trong nước ấm hoặc mát ngày 2 lần để giảm ngứa. Chú ý không nên sử dụng sữa tắm nhiều dầu, nhờn rít.
- Không gãi, chà xát vào mụn nước.
- Uống thuốc giảm đau hoặc bôi kem giảm đau, giảm ngứa, giảm viêm do bác sỹ kê vào vùng da bị mụn nhưng chú ý không bôi vào mắt hay gần mắt.
- Cắt móng tay bé hoặc đeo găng để bé không gãi vào vết mụn.
- Nên cho trẻ ăn thức ăn mềm, ít muối, ít chua để trẻ bớt khó chịu khi nhai do mụn có thể mọc trong hoặc quanh miệng.

Bạn nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất hoặc liên hệ ngay với bác sỹ khi xuất hiện những triệu chứng như trẻ bị sốt kéo dài 2 ngày liên tiếp;ho nặng, khó thở; đau đầu dữ dội, buồn ngủ, lơ mơ; bị nôn, cơ thể mệt mỏi không tự dậy được.
Xem thêm bài: Dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà trọn gói