Tiêu chảy ở trẻ là bệnh thường gặp. Bệnh không chỉ khiến bé khó chịu, mệt mỏi mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con nên ba mẹ cần hết sức chú ý.
Bệnh tiêu chảy ở trẻ là bệnh gì?
Tiêu chảy, hiểu một cách đơn giản là tình trạng trẻ đi ngoài phân lỏng tóe nước và đi nhiều lần trong ngày một cách bất thường, khoảng trên 3 lần. Tuy nhiên, sự bất thường này khác nhau tùy vào cơ địa cũng như độ tuổi của trẻ.
Thông thường, ở trẻ nhũ nhi, tiêu chảy là tình trạng trẻ đi ngoài gấp đôi số lần bình thường. Vì số lần đi ngoài của trẻ nhiều hơn nên không thể lấy con số 3 lần để đánh giá.

Đối với trẻ trên 1 tuổi, trẻ đi ngoài trên 3 lần nhưng kèm theo tình trạng phân lỏng nước hoặc trong phân có lẫn máu thì được coi là tiêu chảy.
Tiêu chảy có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong năm, tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh.
Nguyên nhân gây tiêu chảy ở trẻ
Tiêu chảy cấp ở trẻ gây nên bởi nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân chủ yếu là do trẻ nhiễm virus rota, vi khuẩn Salmonella và một số do nhiễm ký sinh trùng Giardia.
Bên cạnh đó, ngộ độc thực phẩm cũng có thể là nguyên nhân khiến bé bị tiêu chảy. Các triệu chứng thường xuất hiện nhanh như buồn nôn và có xu hướng biến mất trong khoảng 24 giờ. Những trẻ bị đai tràng kịch thích, loét dạ dày… cũng có thể bị tiêu chảy cấp.
Ngoài ra, các loại thuốc kháng sinh, thuốc nhuận tràng cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiêu chảy cấp ở trẻ.

Biểu hiện của bệnh tiêu chảy ở trẻ
Các biểu hiện của trẻ bị tiêu chảy không quá khó phát hiện nếu ba mẹ chú ý quan sát con. Tuy nhiên, ở mỗi cháu với cơ địa và độ tuổi khác nhau sẽ có những biểu hiện khác nhau. Sự khác biệt này phần lớn do độ tuổi chi phối.
- Dấu hiệu đầu tiên của tiêu chảy ở trẻ là việc bé đi ngoài nhiều lần trong ngày kèm theo hiện tượng phân lỏng nước bất thường. Ngoài ra, phân còn có mùi chua, phân nhầy, thậm chí nhiều trường hợp phân còn lẫn máu.
- Với trường hợp tiêu chảy do virus rota hay do tụ cầu, trẻ sẽ gặp phải tình trạng buồn nôn và nôn ói nhiều lần. Nếu trẻ nôn nhiều, sẽ dẫn đến tình trạng mất nước và chất điện giải. Bố mẹ có thể kiểm tra bằng cách cho ngón tay sạch và khô vào trong miệng và lưỡi bé. Khi rút tay ra thấy tay khô thì đó là biểu hiện của hiện tượng mất nước ở trẻ.
- Khi bị tiêu chảy, bé sẽ biếng ăn, bỏ bú, quấy khóc nhiều và luôn mệt mỏi. Nếu bị mất nước nặng, bé có thể hôn mê li bì, khi khóc lượng nước mắt ít thậm chí không có nước mắt.
- Với những trẻ bị tiêu chảy và mất nước nghiêm trọng, bàn chân và bàn tay bé thường lạnh, ẩm; móng tay, móng chân có thể chuyển sang màu tím hoặc da nổi vân tím.
- Khi mất nước, trẻ sẽ có hiện tượng thở nhanh do phải tăng chuyển hóa, mạch thường rất nhanh và yếu.
Cần làm gì khi trẻ bị tiêu chảy?

Khi bị tiêu chảy, trẻ sẽ bị mất nước. Chính vì vậy, việc đầu tiên ba mẹ cần làm là bổ sung nước để bù lại lượng nước đã mất đi. Bên cạnh đó, ba mẹ cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để tăng thêm sức đề kháng cho trẻ, giúp bé khỏe mạnh, hồi phục chức năng đường ruột nhanh hơn, tránh kiệt sức.
Đặc biệt, nếu trẻ đi ngoài quá nhiều lần, phân lỏng dính máu, đau bụng quằn quại kèm hiện tượng sốt cao thì ba mẹ phải đưa bé đến gặp bác sĩ ngay để thăm khám và điều trị. Nếu để lâu, bệnh rất nguy hiểm và có thể đe dọa đến tính mạng của bé.
Bệnh tiêu chảy ở trẻ có nguy hiểm không?
Tiêu chảy là bệnh khá phổ biến ở trẻ. Cũng chính vì thế nhiều bậc phụ huynh thường chủ quan để bệnh tự khỏi hoặc điều trị bằng các phương pháp dân gian hay tự ý đi mua thuốc cho trẻ uống. Đây là một quan niệm sai lầm bởi nó không những không giúp bệnh nhanh khỏi mà còn có nguy cơ gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm.
Nếu tiêu chảy không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách sẽ khiến bị mất nước. Nếu để lâu, tình trạng mất nước trầm trọng sẽ khiến cơ thể yếu dần, thậm chí có thể dẫn đến tình trạng tử vong. Ngoài ra, bệnh tiêu chảy còn làm rối loạn các khoáng chất trong cơ thể, dẫn đến hoạt động của các cơ quan bị rối loạn, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Tiêu chảy kéo dài còn khiến bé bị suy dinh dưỡng. Bởi vì khi bị bệnh, bé thường bỏ bú, chán ăn nên không thể cung cấp đủ dinh dưỡng cho nhu cầu của cơ thể. Trong khi đó, suy dinh dưỡng lại là biến chứng rất nguy hiểm, góp phần gây tử vong dễ hơn. Suy dinh dưỡng còn khiến cho bệnh tiêu chảy khó điều trị và khó kiểm soát hơn.

Một số trẻ bị tiêu chảy do vi trùng có thể biến chứng dẫn đến nhiễm trùng huyết, một bệnh rất khó điều trị và có thể gây tử vong.
Tiêu chảy ở trẻ có vẻ như là một bệnh thông thường và không quá nghiêm trọng nhưng nếu chủ quan không điều trị hoặc điều trị không đúng cách có thể cướp đi sinh mạng của bé bất cứ lúc nào. Vì vậy, khi trẻ có những biểu hiện của tiêu chảy, ba mẹ phải cho bé đi khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ, không được tự ý chữa trị tại nhà vì không những không chữa được bệnh mà còn khiến tình trạng bệnh diễn biến phức tạp hơn.
Cách phòng tránh tiêu chảy ở trẻ
Phương châm “Phòng bệnh hơn chữa bệnh” bao giờ cũng đúng và thật sự cần thiết. Thay vì đợi đến khi trẻ bị bệnh mới lo lắng đi tìm cách chữa trị, ba mẹ hãy chú ý đến cách phòng ngừa để con luôn khỏe mạnh.
- Cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời vì sữa mẹ chứa đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu mà cơ thể con cần.
- Chỉ nên cai sữa khi trẻ được 2 tuổi để bé có sức đề kháng khỏe mạnh.
- Vệ sinh sạch sẽ hằng ngày cho bé. Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Đảm bảo vệ sinh đồ dùng, đồ chơi, phòng ngủ và những vật dụng bé thường hay tiếp xúc để tránh vi khuẩn xâm nhập gây bệnh.
- Đảm bảo thức ăn cho bé hợp vệ sinh, an toàn. Cho trẻ ăn chín uống sôi để tránh ngộ độc thức ăn, một trong những nguyên nhân gây tiêu chảy ở trẻ.
- Cho trẻ tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo chương trình tiêm chủng mở rộng và cho trẻ uống vắc-xin ngừa tiêu chảy do rotavirus.

Khi điều trị tiêu chảy ở trẻ cần lưu ý gì?
Việc điều trị kịp thời và đúng cách là yếu tố quan trọng để đẩy lùi bệnh tật. Trong điều trị tiêu chảy ở trẻ, ba mẹ cần lưu ý một số điều sau:
- Cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường. Với những trẻ còn bú mẹ thì cho trẻ bú nhiều và bú lâu hơn. Cần cung cấp nước cho trẻ nhất là sau khi con đi ngoài hoặc nôn ói. Trường hợp trẻ trên 6 tháng tuổi, ba mẹ có thể cho con uống thêm nước súp, nước cơm, nước dừa, nước ép trái cây… để cấp nước và tăng thêm sức đề kháng cho con.
- Ở trẻ nhỏ thì mẹ cho con bú nhiều hơn còn ở trẻ lớn thì nên tăng khẩu phần ăn và chia ra thành nhiều bữa nhỏ để hồi phục lại dinh dưỡng cho trẻ.
- Bổ sung kẽm cho trẻ dưới dạng viên hoặc uống vì kẽm có tác dụng giảm thời gian và độ tiêu chảy, đồng thời hạn chế nguy cơ bị tiêu chảy trong thời gian tới.
- Đưa trẻ đến khám bác sĩ ngay nếu gặp phải các dấu hiệu như bỏ bú, sốt cao, phân có máu…
Như vậy, bài viết trên đã cung cấp những thông tin hữu ích về bệnh tiêu chảy ở trẻ, giúp ba mẹ trang bị thật tốt để bảo vệ sức khỏe con yêu.