U não là một trong những căn bệnh ác tính thường gặp ở trẻ em dưới độ tuổi 15. Theo thống kê, bệnh u não chiếm tới 15% trong số các ca ung thư ở trẻ em. Tỉ lệ trẻ em mắc bệnh u não xếp hàng thứ 2 và chỉ đứng sau ung thư máu. Bài viết này sẽ cung cấp cho chúng ta những thông tin đầy đủ nhất về bệnh u não ở trẻ em.
Bệnh u não là gì?
U não là những khối u tạo nên do quá trình phân chia tế bào không kiểm soát được trong não, gồm các u nguyên phát từ nhiều nguồn gốc khác nhau như mô não thực thụ, các màng não, các dây thần kinh sọ, các mạch máu, tuyến yên, tuyến tùng và các khối u do di căn từ các khối u nguyên phát ở các tổ chức khác nhau ngoài não.
Triệu chứng bệnh u não ở trẻ em
Trẻ bị u não sẽ gặp phải các triệu chứng tăng áp lực trong sọ và các triệu chứng thần kinh về bản chất và định khu của khối u.
Trong đó, hội chứng tăng áp lực nội sọ sẽ gồm các biểu hiện như:
– Nhức đầu: lúc đầu sẽ là những cơn đau âm ỉ sau đó tăng dần lúc nào cũng đau, đau sáng nhiều hơn chiều.
– Nôn (hoặc buồn nôn): trẻ thường bị nôn vào buổi sáng, nôn xong thường có cảm giác bớt nhức đầu.
– Biến đổi ở gai thị giác như bị phù gai thị, teo gai thị…
– Có thể bị động kinh do khối u kích thích trực tiếp vào vỏ não, hoặc do ảnh hưởng của áp lực trong sọ tăng cao.
– Mạch chậm và bị rối loạn chức năng hô hấp.
– Thay đổi tính nết như bị trầm cảm hoặc kích thích.
– Ngoài ra, trẻ có thể bị ảnh hưởng đến nhận thức như chậm chạp, tiểu tiện không tự chủ, tri giác giảm dần và bị hôn mê.
Các triệu chứng thần kinh thay đổi tùy thuộc vào vị trí của khối u gồm có:
Đối với các khối u ở bán cầu đại não: trẻ có thể bị co giật; có những dấu hiệu bất thường về thị giác, về phát âm như nói lắp, nói ngọng, nói khó,… Cơ thể trẻ bị yếu hoặc liệt nửa người (hoặc nửa mặt); gặp các dấu hiệu của tăng áp lực nội sọ; bị rối loạn hay mất cảm giác; tính cách thay đổi, giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ, buồn ngủ, ngủ gà gật và hay lẫn lộn.
Đối với các khối u ở thân não và đường giữa: Co giật; bị rối loạn về nội tiết như đái nhạt, dậy thì sớm, lùn tuyến yên; rối loạn thị giác như bán manh, nhìn đôi, giảm thị lực, mất thị lực…; bị đau đầu; liệt thần kinh sọ, liệt nửa người; thay đổi về hô hấp; giảm khả năng tập trung, chậm chạp, não úng thuỷ,…
Đối với các khối u ở tiểu não: Đau đầu; nôn (thường xuất hiện buổi sáng, không kèm buồn nôn); rối loạn phối hợp động tác; rối loạn dáng đi.
Trên đây là những triệu chứng của bệnh u não ở trẻ em mà các bậc phụ huynh cần biết. Nếu phát hiện thấy con có những dấu hiệu trên thì cần đưa bé đến gặp bác sĩ để có thể phát hiện và điều trị bệnh sớm nhất.
Nguyên nhân gây ra bệnh u não ở trẻ em
Có rất nhiều quan điểm về nguyên nhân gây u não, nhưng theo các nhà chuyên môn, nguyên nhân gây ra bệnh u não ở trẻ em đối với đa số u não lành tính và u não ác tính vẫn chưa được biết rõ.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy các “yếu tố tăng trưởng thể dịch” (humoral growth factors) như: “yếu tố tăng trưởng biểu mô” (epidermal growth factor – EGF) và “yếu tố tăng trưởng biến đổi” (transforming growth factor – TGF) đã đóng vai trò kích thích tổng hợp ADN và được cho là có vai trò biến đổi tế bào thành khối u.
Bên cạnh đó, gần đây người ta cũng phát hiện ra nhiều đột biến liên quan tới bệnh u não như: các bất thường nhiễm sắc thể 22 ở u tế bào thần kinh thính giác, mất đoạn gene ở cánh ngắn của nhiễm sắc thể 10, 11 và 17 ở u nguyên tuỷ bào hay mất đoạn ở cánh ngắn của nhiễm sắc thể 1 và 19 ở u tế bào thần kinh đệm ít nhánh.
Ngoài ra, yếu tố di truyền có thể là một nguy cơ mắc bệnh. Còn có cả các di căn u não được phát sinh từ những căn bệnh ung thư khác nhau của cơ thể.
Cách điều trị bệnh u não ở trẻ em
Việc điều trị u não cần dựa trên tuổi của trẻ, loại u và kích thước của khối u, khả năng lan rộng của khối u, đáp ứng của trẻ đối với thuốc và các liệu pháp cũng như việc tiên lượng quá trình diễn biến của bệnh. Theo đó, có thể áp dụng một số cách điều trị bệnh u não ở trẻ em theo các thông tin dưới đây.
– Phẫu thuật: Việc điều trị bệnh u não ở trẻ em chủ yếu dựa vào phẫu thuật. Phẫu thuật triệt để khối u là biện pháp điều trị tốt nhất cho trẻ, tuy nhiên điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí, kích thước và mức độ xâm lấn khối u, cũng như kinh nghiệm phẫu thuật của bác sĩ, vấn đề gây mê hồi sức và các di chứng có thể gặp sau mổ. Ngoài ra, việc phẫu thuật lấy u não ở trẻ cũng gặp nhiều khó khăn do tư thế khó, khó cố định đầu, dễ bị tắc mạch do khí nếu phẫu thuật ở tư thế ngồi, mất máu…
– Điều trị não úng thủy: Trên 30% u não ở hố sau có não úng thủy trước và sau điều trị. Mổ nội soi não thất sẽ giúp tái lập tuần hoàn nước não tủy một cách sinh lý hơn. Mổ nội soi não thất còn tránh được di căn khối u ác tính từ não xuống ổ bụng. Đây là phương pháp phẫu thuật đang dần được thay thế các phương pháp phẫu thuật cổ điển khác bởi vừa tiết kiệm chi phí lại vừa ít biến chứng.
– Xạ trị: Phương pháp này có tác dụng trong một số loại u não trẻ em, nhất là các u Medulloblastoma, Germinoma. Điều trị xạ trị là cần thiết nếu vẫn còn sót u sau phẫu thuật. Tuy nhiên, việc xạ trị có thể ảnh hưởng lâu dài tới sự phát triển của trẻ nên phải cân nhắc kỹ trước khi quyết định xạ trị. Một số trường hợp có thể chờ đợi tới khi trẻ lớn hơn, khi đó có thể giảm thiểu được tác dụng phụ do tia xạ.
– Hóa trị: Phương pháp này được chỉ định điều trị cho những u não ác tính mức độ cao ở trẻ em. Vì các hóa chất có rất nhiều tác dụng phụ, đôi khi hóa chất còn “ác tính” hơn cả khối u não. Chính vì vậy, cần có sự cân nhắc kỹ trước khi sử dụng hóa chất cho việc điều trị u não ở trẻ em.