Uốn ván là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có tỷ lệ tử vong cao, được đặc trưng bởi các cơn co cứng do trực khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) gây ra. Dưới đây là một số thông tin chi tiết về bệnh uốn ván ở trẻ em.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh uốn ván ở trẻ em
Bệnh uốn ván xuất hiện khi các vết thương, vết trầy xước bên ngoài da tiếp xúc với trực khuẩn uốn ván. Trẻ sơ sinh có thể bị uốn ván nếu dụng cụ cắt rốn, chăm sóc rốn không được tiệt trùng. Bên cạnh đó, đối với trẻ nhỏ nếu sử dụng các dụng cụ không sạch sẽ để cắt bao quy đầu, rạch da hoặc dùng những thứ không sạch sẽ đắp vào vết thương cũng gây nguy cư mắc bệnh uốn ván.
Biểu hiện bệnh uốn ván ở trẻ em
Bệnh uốn ván có thời gian ủ bệnh khoảng từ 4-21 ngày. Bệnh có thể dẫn đến tử vong do suy hô hấp, rối loạn hệ thần kinh thực vật và tim ngừng đập. Ở trẻ sơ sinh bị uốn ván, tỷ lệ tử von g lên đến 95%.
Bệnh uốn ván ở trẻ em có một số biểu hiện như sau:
– Trẻ bị tê lưỡi, cứng cơ hàm, cổ cứng và khó nuốt. Cơ bụng co cứng (lưng cong cứng, ưỡn ngược ra sau).
– Các cơ co thắt, trẻ bị vã mồ hôi và sốt.
– Đối với trẻ sơ sinh bị uốn ván, trong 2 ngày đầu sau sinh trẻ vẫn bú và khóc bình thường, tuy nhiên có thể từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 28 trẻ sẽ không bú được, cơ thể co cứng, xuất hiện các cơn co giật và có thể sẽ tử vong.
Phương pháp điều trị bệnh uốn ván
Để điều trị bệnh uốn ván, cần diệt trừ vi khuẩn, ngăn ngừa các cơn co cứng cơ và hỗ trợ hô hấp. Cần theo dõi hoạt động của tim, phổi thường xuyên để duy trì và bảo vệ đường hô hấp.
– Tiêu diệt tận gốc tế bào thực vật sản sinh ra độc tố bằng kháng sinh.
– Dùng kháng độc tố uốn ván để vô hiệu hóa độc tố trong máu và ở vết thương, từ đó làm giảm tỷ lệ tử vong.
– Có thể sử dụng đơn lẻ hoặc phối hợp các loại thuốc kiểm soát các cơn co cứng như: diazepam, lorazepam, barbiturat, chlorpromazin. Kết hợp thở máy để điều trị các cơn co cứng không đáp ứng với thuốc hay các cơn co cứng đe dọa ngừng thở.
– Các phương pháp điều trị hỗ trợ như mở khí quản, bù nước và điện giải, tăng cường dinh dưỡng bằng truyền dịch hoặc cho ăn qua ống thông vào dạ dày, theo dõi chức năng của thận, bàng quang và ruột…
– Sau khi bệnh đã phục hồi cần cho trẻ dùng vaccin gây miễn dịch chủ động.
Biện pháp phòng bệnh uốn ván
Phương pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh uốn ván ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là tiêm vắc xin phòng bệnh. Bên cạnh đó, cần vệ sinh sạch sẽ các vết thương ngoài da cho trẻ để tránh nhiễm trùng và đề phòng hoại tử…