Bệnh viêm phổi ở trẻ em thường phát triển nhanh nhưng lại không có dấu hiệu rõ ràng gây khó khăn cho việc nhân biết. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị phù hợp thì có thể đe dọa tới tính mạng của trẻ dưới 5 tuổi.
Bệnh viêm phổi ở trẻ em là căn bệnh truyền nhiễm vô cùng nguy hiểm, đã cướp đi tính mạng của hàng triệu trẻ mỗi năm. Do đó, các bậc cha mẹ nên lưu ý tìm hiểu kỹ thông tin về căn bệnh này để nhận biết sớm và có phương pháp điều trị kịp thời nhé.

Nguyên nhân gây bệnh viêm phổi ở trẻ em
Thời tiết lạnh chỉ là một trong những tác nhân khiến bệnh viêm phổi tiến triển, thực chất nguyên nhân gây ra căn bệnh này đã có từ rất lâu:
– Viêm phổi do virus cúm, adenovirus, á cúm, virus hợp bào hô hấp…chiếm từ 60-70% các trường hợp mắc bệnh thường gặp.

– Viêm phổi do vi khuẩn như liên cầu, tu cầu, phế cầu streptococcus pneumonia…
– Các loại nấm và ký sinh trùng mặc dù ít gặp nhưng có thể gây bệnh viêm phổi ở trẻ trong một số trường hợp đặc biệt.
– Những trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, thiếu cân, đẻ non, còi xương, suy dinh dưỡng và sống trong môi trường bị ô nhiễm thường là đối tượng dễ mắc bệnh viêm phổi.
Dấu hiệu nhân biết bệnh viêm phổi trẻ em
– Thở nhanh là dấu hiệu đầu tiên khi trẻ bị bệnh viêm phổi.
– Trẻ bị sốt, kém ăn, lưỡi bẩn, hơi thở có mùi hôi, môi khô, mệt mỏi, ho khan hoặc ho có đờm kèm theo khó thở. Trẻ sơ sinh thường bị hạ thân nhiệt.

– Ngực có hiện tượng co rút lõm xuống, cánh mũi trẻ phập phồng. Khi khám, bác sĩ phát hiện thấy ran ở phổi.
– Khi chụp X-quang, xuất hiện hình ảnh tổn thương ở phổi.
– Kết quả xét nghiệm cho thấy lượng bạch cầu trong máu tăng lên, CRP – một loại glycoprotein do gan sản xuất cũng tăng lên (trẻ khỏe mạnh bình thường sẽ không có protein này trong máu)
Chăm sóc cho trẻ mắc bệnh viêm phổi ở trẻ em
Nếu ba mẹ thấy con có các dấu hiệu nêu trên thì cần đưa trẻ tới các chuyên khoa nhi hoặc phòng khám uy tín để được khám, kiểm tra, chụp X-quang và làm xét nghiệm máu. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị kịp thời. Các mẹ lưu ý tuyệt đối không được tự dùng kháng sinh để điều trị bệnh cho trẻ tại nhà. Bên cạnh việc uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, bạn nên chăm sóc cho trẻ đúng cách:
– Không nên kiêng cữ, thay vào đó cho trẻ ăn uống bình thường với thực đơn đầy đủ dưỡng chất.
– Trước khi cho trẻ bú hoặc ăn, nên dùng nước muối sinh lý để rửa thông mũi cho trẻ.
– Đảm bảo cho trẻ uống đủ nước nhằm làm loãng đờm nhớt và giảm sốt.

Nếu thấy trẻ xuất hiện các dấu hiệu nặng dưới đây, cần đưa trẻ tái khám tại bệnh viện có chuyên khoa trong thời gian sớm nhất:
– Trẻ có dấu hiệu mệt mỏi hơn, thở nhanh hơn.
– Lồng ngực co rút và trẻ bị khó thở hơn.
– Không uống được, bú kém.
Xem thêm: Dịch vụ khám tổng quát cho bé