Viêm tai giữa được xếp vào nhóm bệnh đường hô hấp trên ở trẻ nhỏ. Bệnh thường dẫn đến những biến chứng nặng nề nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vì vậy trong bài viết này sẽ cung cấp thêm kiến thức cho các mẹ về bệnh viêm tai giữa ở trẻ em để có cách điều trị và phòng tránh hiệu quả nhất!
Tai được chia làm 3 phần
1. Tai ngoài
Gồm vành tai và ống tai ngoài.
2. Tai giữa
Gồm màng tai và một hốc xương gọi là hòm tai. Màng tai (còn gọi là màng nhĩ – tympanic membrane) là một màng mỏng lõm ở giữa, hình bầu dục, nằm hơi nghiêng ra sau, ngăn cách hoàn toàn ống tai ngoài và tai giữa, bịt lên hòm tai. Màng tai tuy có lớp xơ ở giữa tương đối chắc, nhưng lại rất dễ gây thủng khi có viêm nhiễm hoặc ứ đọng dịch trong tai giữa.
Màng tai cũng dễ bị rách thủng khi có các chấn thương cơ học (chọc, ngoáy vào tai), chấn thương áp lực (bị tát vào tai, lặn sâu, sức ép do bom đạn…) hoặc chấn thương âm. Tai giữa đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ chế sinh lý nghe, nhất là hệ thống màng nhĩ – xương con. Bất kỳ trục trặc nào trong hệ thống này như: Thủng màng nhĩ, ứ đọng dịch trong hòm tai, cứng khớp giữa các xương con, tiêu hỏng một trong các xương con…) đều gây nên gián đoạn sự dẫn truyền sóng âm vào tai trong khiến giảm thính lực, thậm chí mất khả năng nghe hoàn toàn.
3. Tai trong
Chính là đầu mối thần kinh tiếp nhận các tín hiệu âm thanh truyền qua dây thần kinh thính giác lên não, và nhờ đó mà ta nghe được. Tai trong nằm trong một hốc xương có hình xoắn 2 vòng rưỡi nên gọi là ốc tai.
Bệnh viêm tai giữa ở trẻ em không nên coi thường
Trẻ bị viêm tai giữa nếu không được điều trị triệt để, bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như: Mất thính lực, viêm màng não, áp xe não, gây liệt dây thần kinh số 7.
Viêm tai giữa thường gặp ở trẻ từ 6 tháng tới 3 tuổi. Trẻ thường mắc viêm tai giữa do viêm VA lan vào vòi nhĩ, làm cho vòi nhĩ bị viêm và tắc lại. Ở trẻ em, vòi nhĩ ngắn hơn, khẩu kính lớn hơn ở người lớn nên vi khuẩn và các chất xuất tiết ở mũi họng rất dễ lan lên tai giữa. Đặc biệt, hệ thống niêm mạc đường hô hấp (niêm mạc mũi họng, niêm mạc hòm tai, niêm mạc khí phế quản…) ở trẻ rất nhạy cảm, dễ phản ứng với những kích thích bằng hiện tượng xuất tiết dịch, làm cho dịch ứ đọng nhiều trong hòm tai, gây viêm.
Điều nguy hiểm là viêm tai giữa cấp ở trẻ nhỏ có thể gây thủng màng nhĩ, làm tiêu xương… ảnh hưởng đến sức nghe của trẻ và dẫn đến rối loạn ngôn ngữ. Nếu không được điều trị triệt để, bệnh có thể gây các biến chứng nhiễm trùng sọ não rất nguy hiểm như viêm màng não, áp xe não, viêm tắc tĩnh mạch bên hoặc gây liệt dây thần kinh mặt (dây số 7).
Ở giai đoạn đầu, biểu hiện của bệnh viêm tai giữa không rõ rệt, trẻ không sốt, không đau tai, rất ít khi có ù tai, không chảy dịch ở tai. Triệu chứng duy nhất là trẻ bị nghễnh ngãng nên các bà mẹ thường hay bỏ qua và cho rằng trẻ thiếu tập trung. Khi chuyển sang giai đoạn mạn tính mới có hiện tượng chảy mủ tai.
Xem thêm: khám sức khỏe du học
Nguyên nhân viêm tai giữa
– Trẻ nhỏ từ dưới 3 tuổi sức đề kháng yếu, dễ bị mắc viêm tai giữa.
– Khi trẻ nằm bú sữa bình không cẩn thận khiến sữa tràn vào trong tai gây viêm.
– Do cảm lạnh.
– Không khí bị ô nhiễm, có khói thuốc lá.
– Chọc ngoáy vào tai, lặn sâu.
– Do chất xuất tiết ở mũi họng lan lên tai giữa khiến tai giữa bị viêm nhiễm.
Triệu chứng viêm tai giữa
– Sốt, thường là sốt cao 39 – 40oC, nhức đầu.
– Quấy khóc nhiều, hay gây gổ.
– Bỏ bú, kém ăn, nôn trớ.
– Rối loạn tiêu hóa, ăn không tiêu, đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày.
– Không phản ứng khi có tiếng động.
– Đau tai, khó chịu.
– Khi bệnh nặng sẽ thấy chảy mủ tai còn các triệu chứng phía trên sẽ giảm dần.
Cách chữa bệnh viêm tai giữa ở trẻ em
Hiện nay, với kỹ thuật nội soi, bác sĩ sẽ dùng kính hiển vi điện tử để chích một lỗ nhỏ ở màng nhĩ và đặt vào đó một ống thông nhỏ. Ống thông khí xuyên qua màng nhĩ nhằm hút sạch dịch nhầy quánh trong hòm nhĩ ra ngoài và lưu ống thông khí tại chỗ để dịch có thể tự chảy ra ngoài. Và tùy vào mức độ nặng nhẹ của bệnh bác sĩ sẽ kê đơn và có liệu trình điều trị phù hợp nhất.
Cách phòng bệnh viêm tai giữa ở trẻ
Để phòng bệnh viêm tai giữa cho trẻ, người lớn phải giữ gìn vệ sinh mũi họng hằng ngày cho bé sạch sẽ, hạn chế tối đa trẻ bị viêm mũi họng. Khi trẻ nôn trớ, không nên đặt trẻ nằm đầu thấp vì chất nôn dễ tràn vào tai giữa. Khi gội đầu cho trẻ, không nên hạ thấp đầu quá, nước sẽ chảy vào tai giữa, gây viêm. Nếu trẻ bị viêm mũi họng và viêm VA thì phải điều trị dứt điểm, đúng cách vì đó là nguyên nhân gây viêm tai giữa.
Lưu ý: Viêm tai giữa là một bệnh dễ tái phát, vì thế cần thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho trẻ 6 tháng/lần.