Xuất huyết giảm tiểu cầu là bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ do số lượng tiểu cầu trong cơ thể giảm sút bởi một số nguyên nhân khác nhau. Bệnh nếu không được chữa trị có thể đe dọa đến tính mạng của trẻ.
Tiểu cầu là gì?

Tiểu cầu là một trong ba loại tế bào máu của cơ thể cùng với hồng cầu và bạch cầu. Tiểu cầu được sinh ra từ tủy xương, có kích thước rất nhỏ nhưng lại đóng vai trò rất quan trọng trong việc cầm máu.
Tiểu cầu có tính chất đặc thù là kết thành từng mảng bám chặt vào thành mạch nơi có tổn thương để thực hiện chức năng cấm máu và bảo vệ thành mạch không bị rò rỉ. Khi bị giảm tiểu cầu, khả năng cầm máu của cơ thể cũng giảm đi, máu khó đông hơn và gây nên tình trạng xuất huyết.
Nguyên nhân gây nên xuất huyết giảm tiểu cầu?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu nhưng chúng được xếp vào 2 nhóm chính do tăng phá hủy tiểu cầu ở máu ngoại vi và giảm sinh tiểu cầu ở tủy xương. Ở mỗi nhóm nguyên nhân lại có các bệnh khác nhau gây nên do đó nguyên nhân của bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu rất phức tạp.
Một số nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng giảm tiểu cầu như bị nhiễm trùng nặng, nhiễm virut cúm, sởi, quai bị, nhiễm ký sinh trùng, viêm gan siêu vi…Các bệnh xơ gan, cường lách, lupus ban đỏ, viêm đa khấp dạng thấp… Các bệnh về máu như xơ tủy, ung thư máu, ung thư hạch, thiếu máu tiêu huyết tự miễn cũng là nguyên nhân gây xuất huyết giảm tiểu cầu.
Bên cạnh đó, bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu có thể gây nên do độc tố và một số loại thuốc an thần, thuốc kháng sinh, hạ nhiệt và một số loại thuốc cảm cúm…
Ngoài ra, có một số trường hợp bị giảm tiểu cầu nhưng không xác định được nguyên nhân gây nên, đây được gọi là xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn.
Triệu chứng của xuất huyết giảm tiểu cầu

Xuất huyết giảm tiểu cầu là bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ và thường gặp ở nữ nhiều hơn nam.
Dấu hiệu chung của bệnh là hội chứng chảy máu đặc biệt ở da và niêm mạc. Người bệnh sẽ xuất hiện các chấm, nốt hoặc mảng bầm tụ dưới da và có cả hiện tượng chảy máu mũi, chân răng.
Ở thể nặng, trẻ bị xuất huyết giảm tiểu cầu có nguy cơ xuất huyết não, xuất huyết phổi, xuất huyết tiêu hóa, tiết niệu… Nếu không xử lý kịp thời có thể đe dọa đến tính mạng trẻ.
Điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu như thế nào?
Đối với trẻ bị xuất huyết giảm tiểu cầu, bác sĩ sẽ điều trị bằng thuốc nhóm Corticoid ở thời kỳ đầu phát bệnh hoặc Anti-(Rh) D nếu không đáp ứng được với Corticoid.
Trường hợp sử dụng thuốc không có hiệu quả và bệnh thường xuyên tái phát bác sĩ sẽ chỉ định cắt lách trên tinh thần tự nguyện của bệnh nhân.
Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc và phẫu thuật, đối với trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi sẽ được truyền tĩnh mạch globulin miễn dịch với những trường hợp xuất huyết nặng có khả năng đe dọa tới tính mạng.
Trên đây là một số kiến thức về bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ mà ba mẹ cần lưu ý. Khi trẻ có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh, hãy cho trẻ đến gặp bác sĩ ngay để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.