Thấp tim là căn bệnh thường gặp ở trẻ 5 – 15 tuổi. Những biện pháp phòng tránh bệnh thấp tim luôn luôn được các bậc phụ huynh quan tâm bởi nếu không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm thậm chí gây tử vong cho trẻ.
Nguyên nhân gây bệnh thấp tim ở trẻ

Bệnh thấp tim hay còn được gọi là bệnh thấp khớp cấp, là bệnh lý thường gặp ở trẻ. Nguyên nhân gây bệnh thấp tim là do nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A đường hô hấp trên. Sau khi trẻ bị viêm họng nặng do liên cầu, có đến 30% trường hợp mắc bệnh thấp tim.
Thấp tim được cho là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh lý van tim đe dọa đến cuộc sống và tính mạng của trẻ. Do đó, hiểu được nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp ba mẹ bảo vệ con yêu, phòng tránh bệnh thấp tim nguy hiểm này.
Cách phòng tránh bệnh thấp tim ở trẻ
Bệnh thấp tim tiến triển âm thầm đến khi có biểu hiện rõ ràng thì đã biến chứng vào tim rất nguy hiểm. Do đó, phòng bệnh là ưu tiên luôn được đặt lên hàng đầu. Để phòng tránh bệnh thấp tim ở trẻ ba mẹ cần chú ý đến một số vấn đề sau:
Giáo dục sức khỏe phòng tránh bệnh thấp tim

Bệnh thấp tim do liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A gây ra, thường sẽ xuất hiện sau khi trẻ bị viêm họng nặng, viêm amidan….nên việc giáo dục sức khỏe là việc làm cần thiết. Cha mẹ nên giáo dục trẻ có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường sống sạch sẽ để hạn chế sự tấn công của virut, vi khuẩn gây bệnh về đường hô hấp.
Thường xuyên vệ sinh cá nhân sạch sẽ đặc biệt là vệ sinh vùng tai mũi họng. Giữ ấm cổ, ngực, mũi họng vào mùa đông để không bị nhiễm lạnh. Bên cạnh đó, cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn gây bệnh.
Điều trị viêm họng dứt điểm để phòng tránh bệnh thấp tim ở trẻ
Nguyên nhân gây bệnh thấp tim là do liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A gây nên sau khi bị viêm đường hô hấp trên. Do đó, khi thấy trẻ có biểu viêm họng, viêm amidan, viêm xoang…thì phải đưa trẻ đến bệnh viện để điều trị dứt điểm. Nếu để bệnh lâu ngày rất dễ dẫn đến thấp tim.
Tiêm phòng thấp tim

Đối với trẻ đã từng bị thấp tim nhưng được điều trị ổn định thì cần phải tiêm phòng thấp tim bởi bệnh rất dễ tái phát. Cần phải uống thuốc phòng tránh bệnh thấp tim suốt thời kỳ thiếu niên.
Tốt nhất là tiêm phòng bằng thuốc penixilin đào thải chậm. Thời gian tối thiểu là 5 năm. Trường hợp tiêm phòng nhưng bệnh vẫn tái phát thì phải tiêm liên tục cho đến khi 21 tuổi thậm chí là suốt đời.
Phát hiện sớm các biểu hiện thấp tim
Các bậc phụ huynh nên thường xuyên quan sát tình trạng sức khỏe của trẻ. Khi bé xuất hiện các triệu chứng bất thường như viêm họng nhiều lần, dễ tái phát, mệt mỏi, chán ăn, sưng nóng đỏ các khớp, đau tức ngực, khó thở… thì cần đưa trẻ đến bệnh viện uy tín để khám ngay vì đó có thể là triệu chứng của bệnh thấp tim. Không nên chủ quan điều trị tại nhà bằng các bài thuốc dân gian bởi có thể để tình trạng nặng hơn, gây biến chứng nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng trẻ.
Trên đây là những biện pháp phòng tránh bệnh thấp tim mà ba mẹ cần biết để bảo vệ sức khỏe bé yêu.