Bạn cảm thấy con có vẻ không muốn gần gũi với mình như những người khác? Điều này có thể là dấu hiệu cho thấy bé đang mắc phải chứng rối loạn gắn bó. Vậy bố mẹ cần biết gì về chứng rối loạn gắn bó ở trẻ em?
Trẻ con sẽ luôn cảm thấy gần gũi, gắn bó với bố mẹ hay những người chăm sóc bé từ nhỏ. Do đó, nếu trẻ có những biểu hiện như xa cách bố mẹ và người thân, không giao tiếp bằng mắt, không cười nói, hoặc khóc hoài không thôi… thì rất có thể trẻ đã mắc chứng rối loạn gắn bó.
Nhận biết các dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn này là điều rất cần thiết đối với bố mẹ hoặc người chăm sóc chính của trẻ, để có sự điều chỉnh thích hợp trong quá trình chăm sóc trẻ.
Chứng rối loạn gắn bó ở trẻ em là gì?
Rối loạn gắn bó là một tình trạng hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng mà trong đó, trẻ không thể thiết lập được những gắn bó bình thường với bố mẹ hoặc người chăm sóc của mình.
Rối loạn gắn bó có thể phát triển nếu những nhu cầu cơ bản của trẻ về sự dỗ dành, yêu thương và nuôi dưỡng không được đáp ứng; cũng như những gắn bó thương yêu, chăm sóc với người khác không được thiết lập.
Các chuyên gia đã chia chứng rối loạn gắn bó thành 2 dạng:
- Rối loạn ràng buộc xã hội thiếu kiềm chế: một trong những biểu hiện phổ biến nhất của dạng này là trẻ sẽ tỏ ra thân thiết và hào hứng quá mức đối với người lạ, nhưng lại thờ ơ, xa lanh bố mẹ và người thân.
- Rối loạn phản ứng gắn bó: trẻ sẽ không cảm nhận được tình thương từ bố mẹ hoặc người thân dù họ đã làm mọi cách. Ngoài ra, bé còn tỏ ra không thoải mái khi bị chạm vào, lảng tránh giao tiếp bằng ánh mắt và luôn dè dặt với họ.
Triệu chứng của rối loạn gắn bó ở trẻ em
Dưới đây là những triệu chứng của chứng rối loạn gắn bó ở trẻ em mà bố mẹ nên chú ý:
- Trẻ ghét việc đụng chạm hay những biểu hiện tình cảm. Thậm chí trẻ còn coi sự đụng chạm và bày tỏ tình cảm là một mối đe dọa.
- Trẻ thường sẽ không vâng lời, ngang bướng và thích tranh cãi.
- Trẻ hành động như thể mình không có lương tâm và cũng không biểu thị cảm giác có lỗi, hối hận hay sự ăn năn sau khi thực hiện hành vi xấu.
- Trẻ thường bày tỏ sự tức giận một cách trực tiếp hoặc thông qua các hành động gây hấn.
- Trẻ có những hành động tình cảm không phù hợp với người lạ trong khi thể hiện ít hoặc không có biểu hiện tình cảm đối với bố mẹ mình.
Bên cạnh đó, bố mẹ nên để ý một số dấu hiệu cảnh báo sớm về gắn bó không an toàn ở trẻ, để kịp thời có biện pháp can thiệp phù hợp trước khi nó phát triển hành chứng rối loạn gắn bó.
- Né tránh tiếp xúc mắt, không cười, không tương tác dù cho mọi người có nỗ lực trò chuyện cùng trẻ.
- Trẻ dường như không chú ý hay quan tâm đến việc bị bỏ lại một mình.
- Không hoài không chịu nín, dù được dỗ dành.
- Không quan tâm đến những trò chơi tương tác hoặc không chơi với đồ chơi.
- Dành nhiều thời gian để tự mình đu đưa hoặc tự dỗ dành bản thân.
Chứng rối loạn gắn bó ở trẻ em nghiêm trọng như thế nào?
Nếu không được can thiệp và điều trị kịp thời, chứng rối loạn gắn bó ở trẻ có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm như:
- Có những hành vi thách thức, hoặc có những hành vi chống đối xã hội.
- Khó kiểm soát bản thân và luôn bày tỏ sự nóng giận, trách móc tràn lan.
- Sợ gần gũi, thân mật hay bày tỏ tình cảm.
- Gặp nhiều khó khăn về phát triển ngôn ngữ, hành vi, cũng như gặp khó khăn trong học tập và giao tiếp xã hội.
Nếu được điều trị, trẻ sẽ phát triển mối quan hệ lành mạnh, ổn định hơn với người chăm sóc và những người khác. Các phương pháp điều trị rối loạn này bao gồm tương tác tích cực giữa trẻ và người chăm sóc, môi trường nuôi dưỡng vững chắc, tham vấn tâm lý và hướng dẫn cho phụ huynh hay người chăm sóc.
Tầm quan trọng của sự gắn bó giữa con cái và bố mẹ
Những trải nghiệm tích cực lặp đi lặp lại với bố mẹ giúp trẻ sơ sinh phát triển sự gắn bó. Khi một người lớn phản ứng với việc trẻ nhỏ khóc bằng cách cho ăn, thay tã hoặc dỗ dành con, bé sẽ dần biết rằng mình có thể tin tưởng ở bố mẹ.
Trẻ em phát triển sự gắn bó sẽ có xu hướng:
- Giải quyết vấn đề một cách dễ dàng hơn
- Ít có phản ứng cực đoan với tình trạng căng thẳng
- Hình thành mối quan hệ tốt với người xung quanh
- Hứng thú với những điều mới mẻ và khám phá chúng một cách độc lập.
Thực tế cho thấy, sự gắn kết, tương tác và tình yêu thương của bố mẹ và mọi người xung quanh sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ. Do đó, bố mẹ nên dành thời gian quan tâm và chăm sóc con nhiều hơn, để con có thể phát triển khỏe mạnh cả về thể chất và tâm lý.