Đã bao giờ bố mẹ nghe về dị tật còn ống động mạch ở trẻ? Bài viết sau đây sẽ mang tới những thông tin cần thiết cho bố mẹ về bệnh lý này.
Dị tật còn ống động mạch là gì?
Dị tật còn ống động mạch (Patent Ductus Arteriosus – PDA) xảy ra khi ống động mạch (hay còn gọi là ống Botal), nối giữa động mạch chủ và động mạch phổi trong thời kỳ bào thai, không bị đóng lại sau khi trẻ chào đời.
Thông thường, ống động mạch sẽ đóng lại ngay sau sinh do tác dụng của sự sụt giảm Prostaglandin E2 và tăng nồng độ O2 máu nhờ động tác thở. Và ống động mạch được đóng hoàn toàn về mặt giải phẫu trong khoảng thời gian từ 1-3 tháng sau khi sinh.
Dị tật này chiếm 10% trong tổng số các dị tật tim bẩm sinh.
Khi mắc dị tật này và không được điều trị kịp thời, trẻ có thể gặp phải một số biến chứng như:
- Tăng áp phổi: nếu không được điều trị, còn ống động mạch tiến triển ban đầu là dòng máu từ trái qua phải, sau đó dòng máu đảo hướng từ phải qua trái, gọi là hội chứng Eisenmenger. Lâu dài sẽ gây tăng áp phổi, có thể phải thay tim hoặc phổi.
- Suy tim: còn ống động mạch lâu dài dẫn tới suy tim mãn tính.
- Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng: còn ống động mạch có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn người bình thường, gây ra do vi khuẩn.
- Loạn nhịp tim: Nếu còn ống động mạch lớn sẽ gây loạn nhịp tim.
- Một biến chứng khác có thể gặp là xuất huyết trong tâm thất.
Nguyên nhân
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc dị tật còn ống động mạch:
- Sinh non
- Hội chứng rubella bẩm sinh: bị nhiễm Rubella trong lúc mang thai làm tăng nguy cơ dị tật tim
- Hội chứng Down: gia tăng cơ hội tồn ống động mạch.
- Gen di truyền và yếu tố môi trường
- Có dị tật tim khác: trẻ có vấn đề tim mạch khác cũng có nhiều khả năng tồn tại ống động mạch
- Khi mang thai mẹ thường xuyên sử dụng hoặc tiếp xúc với ma túy, rượu bia, thuốc lá, hóa chất, tia X hoặc tia phóng xạ

Dấu hiệu
Các triệu chứng lâm sàng
Các triệu chứng lâm sàng của dị tật này sẽ phụ thuộc vào kích thước của luồng thông.
Song, thông thường, trẻ sẽ có các triệu chứng như:
- Thở nhanh, vã mồ hôi, gặp khó khăn khi ăn (đối với trẻ từ 3-6 tuần tuổi)
- Chậm phát triển về thể chất
- Hay bị khó thở khi gắng sức, ho khan hoặc viêm phổi
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng có nhiều bệnh nhân sẽ không có biểu hiện lâm sàng nào và chỉ được phát hiện khi kiểm tra sức khỏe.
Trẻ có biến dạng lồng ngực điển hình
Một số trẻ sẽ có khoang liên sườn III-IV trái nhô ra phía trước, và kèm theo một vài dấu hiệu sau:
- Sờ thấy có rung miu (cảm giác rung tay như sờ lưng mèo)
- Nghe thấy tiếng thổi liên tục ở vùng dưới đòn trái
- Mạch ngoại biên nẩy mạnh
- Huyết áp tâm thu có thể tăng, huyết áp tâm trương giảm
Ngoài ra, trong những trường hợp còn ống động mạch có luồng thông lớn có thể thấy hình ảnh giãn các buồng tim.

Chẩn đoán như thế nào?
Để chẩn đoán dị tật này, bác sĩ sẽ dùng tới một vài phương pháp sau:
- Siêu âm tim và siêu âm Doppler là phương pháp chủ yếu tầm soát còn ống động mạch. Ngoài ra, siêu âm tim còn giúp bác sĩ thấy buồng tim và đánh giá phân suất tống máu của tim.
- Điện tâm đồ giúp tầm soát còn ống động mạch, các dị tật tim khác hoặc vấn đề về nhịp.
- Chụp X-quang có thể giúp đo được toàn bộ kích thước của tim và phát hiện được dòng máu đến phổi. Từ đó giúp xác định dị tật còn ống động mạch.
- Chụp CT hoặc MRI cũng có thể phát hiện còn ống động mạch, nhưng thường dùng ở người lớn.
Phương pháp điều trị
Đóng ống động mạch bằng thuốc
Nguyên lý của phương pháp điều trị này là gây co thắt ống động mạch bằng các thuốc ức chế tổng hợp prostaglandin E – một chất có tác dụng giãn mạch.
Phẫu thuật đóng ống động mạch
Đây là một thủ thuật ít tai biến khi có chỉ định chính xác, tuy nhiên, tỷ lệ tái thông ống sau đó khá cao.
Đóng ống động mạch qua thông tim
Đây là biện pháp điều trị bằng tim mạch can thiệp không phẫu thuật rất hiệu quả.