Bệnh tăng động ở trẻ em hay còn gọi là chứng rối loạn tăng động giảm chú ý. Trẻ bị tăng động thường có khả năng tập trung kém, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng học tập và các giao tiếp với người xung quanh. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần hiểu biết cách chăm sóc và điều trị bệnh cho trẻ bị tăng động để chăm sóc con được tốt hơn.
Những biểu hiện ở trẻ bị tăng động
Sự hoạt động thái quá: Trẻ bị tăng động thường hoạt động tay chân liên tục, chạy nhảy leo trèo, không ngồi yên một chỗ, thường xuyên chuyển từ hoạt động này sang hoạt động khác.
Sự tập trung chú ý kém: Trẻ thường không lắng nghe khi người khác nói chuyện trực tiếp, khả năng tập trung trước một vấn đề kém do luôn bị hấp dẫn bởi những hoạt động khác, dễ dàng bị phân tâm bởi các kích thích xung quanh; hay để quên và làm thất lạc đồ đạc.
Trẻ bị tăng động thường khó để ngồi yên một chỗ
Phối hợp, kiểm soát động tác kém: Trẻ tăng động hoạt động mang tính chất xung động tức thì, thường hay gây ồn ào và làm phiền người khác quá mức.
Những rối loạn hành vi khác kèm theo như: rối loạn giấc ngủ (trẻ thường rất khó đi vào giấc ngủ), rối loạn lo âu… Các rối loạn này có thể nhiều hay ít tùy thuộc vào từng trẻ và môi trường xung quanh tác động đến trẻ.
Cách chăm sóc và điều trị bệnh cho trẻ bị tăng động
Dinh dưỡng hợp lý cho trẻ bị tăng động
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn có liên quan đến chứng rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ. Vì vậy, cần đảm bảo cho trẻ một chế độ ăn phù hợp và đầy đủ chất dinh dưỡng.
Đảm bảo cho trẻ một chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng là cách làm giảm triệu chứng bệnh tăng động
– Bổ sung sắt và kẽm: Ngoài chức năng tạo máu của sắt thì sắt và kẽm còn là tiền chất của hơn vài trăm enzym trong cơ thể. Các khoáng chất này đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển hệ thần kinh và trí tuệ của trẻ. Thiếu hụt các khoáng chất này không chỉ liên quan đến chứng tăng động mà còn làm giảm trí thông minh của trẻ.
– Ăn đủ axit béo: Trẻ bị tăng động nên được đảm bảo đủ lượng axit béo omega 3 và omega 6 bởi đây là những dưỡng chất cần thiết cho quá trình phát triển của não bộ. Các chất này có nhiều trong các loại cá biển, các loại đậu hạt và dầu thực vật.
– Tăng cường tinh bột và hạn chế ăn đường: tiêu thụ nhiều đường đơn có trong các loại bánh kẹo và đồ uống ngọt làm gia tăng chứng rối loạn tăng động giảm chú ý, đồng thời ảnh hưởng xấu đến sự hoạt động của não bộ. Do vậy trẻ cần hấp thụ đường qua việc ăn tinh bột và các loại rau, quả để giúp ổn định lượng đường huyết lâu bền.
– Tránh phụ gia thực phẩm và thực phẩm nguy cơ dị ứng cao: Các chất phụ gia thực phẩm có thể làm gia tăng nguy cơ rối loạn tăng động giảm chú ý, do đó cần hạn chế nếu có thể ở những trẻ đã mắc bệnh này. Nên cho trẻ ăn những thức ăn ít gây ra dị ứng, có thể cải thiện được sự tập trung chú ý của trẻ.
Các biện pháp trị liệu cơ bản
– Dùng thuốc: Trẻ bị tăng động thường được bác sĩ cho dùng thuốc methylphenidate, thuốc này giúp kích thích hệ thần kinh trung ương nhằm cải thiện khả năng tập trung của trẻ. Tác dụng phụ khi uống thuốc này là nhức đầu, ăn uống không ngon miệng, mất ngủ, đái dầm, bứt rứt, trầm cảm và hại cho gan… Ngoài ra còn có thuốc atomoxetine được FDA của Mỹ công nhận, cũng có hiệu quả như Ritalin nhưng ít tác dụng phụ hơn. Đây là điều nên hết sức cân nhắc khi áp dụng.
– Tâm lý trị liệu: Một số trẻ bị chứng tăng động sẽ hết lớn lên, một số khác thì chứng này có thể tồn tại suốt đời. Tuy nhiên, nhờ vào các phương pháp điều trị như tâm lý trị liệu, hỗ trợ từ phía gia đình, nhóm hỗ trợ,… có thể giúp kiểm soát được chứng bệnh này để trẻ có được cuộc sống bình thường. Cần có sự phối hợp giữa cha mẹ, thầy cô giáo, bác sĩ và nhà tâm lý trong việc điều trị cho trẻ để mang lại hiệu quả cao hơn.
Sử dụng thuốc và tâm lý trị liệu là các biện pháp điều trị hiệu quả bệnh tăng động
Các biện pháp khác:
– Xoa bóp (massage): đối với những trẻ bị chứng tăng động thì xoa bóp sẽ giúp thư giãn rất tốt. Trẻ được điều trị bằng phương pháp mát-xa sẽ trầm tĩnh hơn, ngủ ngon hơn, tránh được những cơn ác mộng khi ngủ, cải thiện được hành vi, biết lắng nghe và vâng lời cha mẹ hơn.
– Phương pháp Tomatis: phương pháp này là dùng âm nhạc để điều trị cho trẻ mắc chứng tăng động. Âm nhạc làm cải thiện khả năng nghe của trẻ, bằng cách kích thích não bộ giúp trẻ tập trung vào âm thanh mà không bị phân tán. Vì vậy, người ta thường cho trẻ nghe nhạc Mozart, hòa tấu, thậm chí nghe giọng nói của người mẹ.
– Phương pháp Tâm vận động: Phương pháp này đòi hỏi một số trang bị về phòng ốc, các dụng cụ giáo dục đặc biệt và những kiến thức chuyên môn.
Những thông tin về cách chăm sóc và điều trị bệnh cho trẻ bị tăng động trên đây sẽ giúp các bậc phụ huynh có thêm kiến thức và hiểu biết về chứng tăng động ở trẻ, qua đó có biện pháp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe con yêu được tốt hơn.