Hen suyễn là một bệnh viêm đường hô hấp mãn tính thường gặp ở trẻ em. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 7-10% trẻ mắc hen suyễn, cứ 20 năm số trẻ mắc hen suyễn tăng lên 2-3 lần. Bệnh hen suyễn không thể điều trị khỏi hoàn toàn mà chỉ có biện pháp can thiệp để kiểm soát các triệu chứng của bệnh, giảm nhẹ biến chứng cũng như tần suất xuất hiện các cơn hen. Những bậc phụ huynh có con bị bệnh này cần nằm lòng cách chữa bệnh hen suyễn ở trẻ em để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe con yêu được tốt hơn.
1. Hen suyễn là gì?
Hen suyễn là tình trạng viêm đường hô hấp mãn tính gây ra hiện tượng phù nề và chít hẹp đường thở dẫn đến hiện tượng khó thở và khò khè cho trẻ. Khi gặp phải những tác nhân kích thích, tình trạng hẹp đường thở gia tăng làm cho trẻ khó thở hoặc không thở được, lúc này được gọi là lên cơn hen. Các nguyên nhân chính gây ra bệnh hen suyễn ở trẻ em, ba mẹ có thể xem thêm tại đây.
2. Cách chữa bệnh hen suyễn ở trẻ em
Hen suyễn là bệnh không thể chữa dứt điểm hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát được bệnh. Cũng có trường hợp trẻ bị mắc hen suyễn tự khỏi bệnh trong một thời gian dài, tuy nhiên bệnh có thể tái phát bất cứ lúc nào. Dưới đây là một số thông tin về cách chữa bệnh hen suyễn ở trẻ em.
– Cha mẹ cần tuân thủ việc điều trị hen suyễn cho trẻ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, cho trẻ uống thuốc đúng liều lượng và tái khám đúng hẹn.
– Tránh để trẻ hít phải hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá vì khói thuốc lá có thể dẫn đến sưng phổi khi hít phải.
– Hẹn chế cho trẻ tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm, tránh sử dụng lò sưởi hoặc bếp lò vì khói từ bếp lò có thể kích thích tới hệ thống hô hấp của trẻ.
– Trẻ bị hen suyễn nên được theo dõi ở nhà nếu bị sốt, cảm, hoặc có nguy cơ ốm, tốt nhất là không nên đến trường ít nhất là 24 giờ sau khi phát hiện bệnh.
– Cần hạn chế tối đa khả năng mắc cảm cúm và cảm lạnh cho trẻ bởi đây là hai triệu chứng vô cùng nguy hiểm và gây bất lợi cho việc điều trị bệnh hen.
– Nếu trẻ bị dị ứng với lông thú nuôi thì không cho trẻ tiếp xúc với thú nuôi.
– Có các biện pháp làm giảm nấm mốc trong nhà. Không sử dụng quần áo còn ẩm ướt để ngăn chặn nấm mốc phát triển.
– Cho trẻ đi kiểm tra sức khỏe thường xuyên, đồng thời nên cho trẻ tiêm phòng các bệnh về đường hô hấp vì trẻ bị hen thường rất dễ mắc các bệnh khác về đường hô hấp.
– Cần có sự theo dõi kết hợp giữa gia đình và nhà trường đối với trẻ bị hen suyễn, điều này đặc biệt cần thiết khi trẻ lên cơn hen.
Nhìn chung, hen suyễn là bệnh khó điều trị một cách dứt điểm, vì vậy cần có những biện pháp kiểm soát bệnh một cách tốt nhất để hạn chế việc phát bệnh đối với trẻ nhỏ.