Loạn dưỡng cơ là nhóm bệnh cơ thoái hóa tiến triển với các đặc điểm về lâm sàng và di truyền đặc trưng. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến hậu quả nặng nề khiến trẻ chậm phát triển và không thể đi lại. Vì vậy bài viết dưới đây sẽ chia sẻ với các mẹ cách chữa bệnh loạn dưỡng cơ ở trẻ em.
Bệnh loạn dưỡng cơ ở trẻ em có những đặc thù rất riêng từ nguyên nhân đến cách điều trị. Và hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho căn bệnh này. Các biện pháp điều trị dù là sử dụng thuốc hay vật lý trị liệu vẫn dựa trên cơ sở hạn chế các biến chứng có thể xảy ra do tình trạng yếu cơ tiến triển, kìm hãm quá trình thoái hóa cơ ở một số dạng loạn dưỡng cơ điển hình, ngăn chặn tình trạng rối loạn tim mạch, suy hô hấp.
Các biện pháp không sử dụng thuốc
Với một số trường hợp trẻ mắc bệnh loạn dưỡng cơ sẽ không điều trị thuốc, hoặc không có điều kiện dùng thuốc vì bất kỳ lý do nào đó cần chú ý một số điểm sau:
– Tuyệt đối không nên nghỉ ngơi tại giường trong một thời gian dài sẽ khiến các cơ càng cứng và tê liệt, khó vận động.
– Khuyến khích trẻ bị bệnh duy trì và tự làm các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
– Có thể chơi một môn thể thao, trong đó bơi là một trong những biện pháp tốt nhất.
– Cần khuyến khích, giúp bệnh nhân tập thở.
– Sử dụng hỗ trợ hô hấp khi có tổn thương cơ hô hấp.
– Cần có chế độ dinh dưỡng giàu protein để nâng cao sức đề kháng cơ thể, chống chọi lại bệnh tật. Tăng cường cho trẻ sử dụng dầu ô liu, chất chống oxy hóa đồng thời giảm thiểu lượng thực phẩm chế biến sẵn chứa chất béo, và caffein cùng các đồ uống có cồn.
Xem thêm về dịch vụ sàng lọc sơ sinh của Khoa Nhi – Bệnh viện Hồng Ngọc tại đây
Vật lý trị liệu bằng kích thích điện
Vật lý trị liệu là một trong những cách chữa bệnh loạn dưỡng cơ ở trẻ em. Nó được áp dụng để ngăn ngừa những hiện tượng co cứng cơ khiến trẻ đau đớn. Đây là phương pháp cần sự kiên trì, nó đòi hỏi người bệnh phải cố gắng và nỗ lực.
Các thuốc điều trị
Corticosteroid: Bác sĩ thường sử dụng Prednisolone đường uống với liều 0,75 mg/kg/ngày, sau đó giảm dần theo tình trạng tiến triển của bệnh. Thuốc sẽ có tác dụng làm chậm quá trình tiến triển của bệnh tuy nhiên không ngăn chặn được hoàn toàn và có thể phải dùng kéo dài trong nhiều năm.
Ngoài ra còn phải điều trị các biến chứng nếu có như: Rối loạn tim mạch, nhiễm trùng hô hấp, suy hô hấp. Phương pháp điều trị thay thế hoặc cấy ghép gen, tế bào gốc hiện nay cũng đang được nghiên cứu để mở ra hy vọng mới cho những trẻ bị bệnh loạn dưỡng cơ.
Chú ý: Để phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này những gia đình có người mắc bệnh loạn dưỡng cơ nên thận trọng cho thế hệ sau. Người mẹ khi mang thai nên kiểm tra, thăm khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em thường xuyên để phát hiện và chẩn đoán sớm bệnh.