Là một bệnh mãn tính chưa có thuốc điều trị dứt điểm nên cách chữa bệnh Lupus ban đỏ ở trẻ em khiến nhiều người đau đầu. Về cơ bản là phải phòng chống các đợt bộc phát bệnh và giảm mức độ cũng như thời gian ảnh hưởng của những cơn bệnh đó.
Các loại thuốc
Do triệu chứng và hệ cơ quan bị ảnh hưởng ở mỗi bệnh nhân là khác nhau, nên cần đánh giá mức độ trầm trọng của mỗi bé để có thể điều trị hiệu quả. Trường hợp nhẹ và giảm dần thì không cần điều trị. Nếu cần có thể dùng các loại thuốc chống viêm không steroid và thuốc chống sốt rét.
Thuốc chống thấp khớp thay đổi được bệnh
Thuốc chống thấp khớp có khả năng thay đổi được bệnh (Disease-modifying antirheumatic drug – DMARD) được dùng để phòng các đợt bệnh bộc phát, tiến triển và giảm nhu cầu sử dụng các loại steroid; bản thân cơn bộc phát bệnh được điều trị bằng corticosteroid. Các loại DMARD phổ biến là các thuốc chống sốt rét như plaquenil và các chất ức chế miễn dịch (như methotrexate và azathioprine). Hydroxychloroquine là thuốc chống sốt rét được FDA công nhận để điều trị các triệu chứng thuộc thể chất, về da liễu hoặc khớp. Hydroxychloroquine có tương đối ít tác dụng phụ, và có khả năng tăng tỉ lệ sống của bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống. Cyclophosphamide được dùng trong trường hợp bị viêm cầu thận nặng hoặc các biến chứng hủy hoại các cơ quan khác. Axit mycophenolic cũng được dùng để điều trị viêm cầu thận lupus, nhưng chưa được FDA công nhận vì FDA đang kiểm tra các báo cáo nghi ngờ khả năng gây dị tật bẩm sinh nếu phụ nữ mang thai dùng thuốc này.
Các thuốc ức chế miễn dịch
Trong những trường hợp bệnh nặng, cần dùng đến các loại thuốc điều hòa hoạt động của hệ miễn dịch (chủ yếu là các corticosteroid và các thuốc ức chế miễn dịch) để kiểm soát và ngăn ngừa các đợt bệnh tái phát (hay các cơn bộc phát bệnh). Tùy vào liều lượng, những bệnh nhân dùng steroid có thể bị hội chứng Cushing và các tác dụng phụ như béo phì, mặt phù, đái tháo đường, thèm ăn, khó ngủ và loãng xương. Các tác dụng phụ đó có thể giảm nếu liều lượng thuốc lớn ban đầu được giảm đi, nhưng nếu dùng lâu dài thì kể cả liều lượng thấp cũng gây tăng huyết áp và cườm thủy tinh thể mắt.
Thuốc giảm đau
Do phần lớn bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống phải chịu đau mãn tính, bác sĩ có thể phải kê các loại thuốc giảm đau mạnh hơn nếu những loại thuốc không cần kê đơn (chủ yếu là thuốc chống viêm không steroid – NSAID) không có hiệu quả. Các thuốc NSAID mạnh như indomethacin và diclofenac lại thường chống chỉ định đối với bệnh này vì chúng làm tăng nguy cơ suy thận và suy tim.
Những cơn đau trung bình có thể điều trị bằng chất gây tê loại nhẹ như dextropropoxyphene và co-codamol. Nặng hơn phải dùng các loại thuốc gây nghiện mạnh hơn như hydrocodone hoặc tác dụng kéo dài hơn như oxycodone, MS Contin, hoặc Methadone. Miếng dán trên da Fentanyl chứa duragesic cũng được dùng rộng rãi trong điều trị đau mãn tính vì thời gian tác dụng kéo dài và dễ sử dụng.
Thay đổi lối sống
Thay đổi chính đối với bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống là phải tránh ánh sáng mặt trời, vì ánh sáng mặt trời làm bệnh nặng thêm. Nếu bệnh nhân phải dùng các loại thuốc khác không liên quan đến lupus thì chỉ nên dùng nếu chắc chắn loại thuốc đó không làm bệnh nặng thêm.
Ghép thận
Ghép thận là phương pháp điều trị chữa bệnh lupus ban đỏ ở trẻ em phổ biến trong trường hợp bị bệnh thận giai đoạn cuối, là một trong những biến chứng của viêm cầu thận lupus, nhưng sau đó 30% trường hợp vẫn bị tái phát bệnh.
Việc điều trị bệnh lupus ban đỏ ở trẻ em là cả một hệ thống. Vì vậy nếu thấy trẻ có biểu hiện bất thường, nghi ngờ bị lupus, cha mẹ cần đưa ngày bé đến các phòng khám nhi hoặc bệnh viện để được khám và điều trị kịp thời.