Nhiều mẹ băn khoăn không biết cách chữa bệnh thiếu máu ở trẻ em như thế nào. Vậy hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây để có thêm kiến thức chăm sóc con yêu tốt nhất nhé!
Bổ sung sắt
– Bổ sung sắt qua đường uống
Cho trẻ uống các muối sắt, các muối Fe hoá trị 2 sẽ dễ hấp thu như: sulfat sắt, fumarat sắt, gluconat sắt, ascorbat sắt. Liều lượng có hiệu quả: 4 – 6 mg sắt nguyên tố/kg/ngày, chia 2 – 3 lần uống giữa các bữa ăn. Thời gian điều trị từ 6 – 8 tuần lễ, có thể dùng dài ngày hơn. Sắt phải được uống vào khoảng cách giữa 2 bữa ăn. Nên cho thêm Vitamin C 0,1 g x 3 viên/ngày để sắt dễ hấp thụ. Nếu điều trị đúng thuốc và đúng bệnh, sau 5-10 ngày tỷ lệ hồng cầu lưới sẽ tăng, Hb tăng 1,0 – 1,5 g/l/ngày.
Nếu không thấy lượng hồng cầu lưới tăng, tăng Hb sau uống sắt cần tìm hiểu thêm các nguyên nhân sau: Trẻ không uống hoặc uống không đều, liều sắt chưa đủ, chế phẩm sắt không hiệu quả, nguyên nhân mất máu còn tồn tại, có bệnh ảnh hưởng đến hấp thu và sử dụng sắt (như nhiễm khuẩn, bệnh gan thận, bệnh ác tính hoặc ngộ độc chì phối hợp), rối loạn hấp thu ở dạ dày, ruột hoặc chẩn đoán thiếu sắt không đúng.
Lưu ý: Uống sắt có thể gây một số tác dụng phụ như: buồn nôn, ợ hơi nóng, đau vùng thượng vị, táo bón hoặc ỉa chảy. Khi đó có thể giảm bớt liều hoặc uống cách xa bữa ăn.
– Bổ sung sắt qua đường tiêm
Rất hiếm khi dùng, chỉ được chỉ định trong trường hợp trẻ có hội chứng kém hấp thu, có bệnh ruột nặng mà sử dụng sắt uống có thể làm nặng thêm bệnh cơ bản ở ruột, có chảy máu mạn tính (như giãn mạch di truyền).
Lưu ý: Một số trẻ sẽ có tác dụng phụ khi tiêm như xuất hiện vết thâm ở chỗ tiêm, có thể có phản ứng viêm nhẹ tại chỗ, nôn, hoa mắt thoáng qua.
– Bổ sung bằng truyền máu
Nói chung điều trị thiếu sắt không cần truyền máu. Chỉ định truyền hồng cầu khi Hb dưới 5 g/l cần hồi phục lượng Hb ở trẻ nhiễm khuẩn, có biểu hiện rối loạn chức năng tim hoặc cần nâng nhanh lượng Hb lên (khi phẫu thuật cấp cứu, nhiễm khuẩn nặng), cần có lượng Hb 9-10g/dl để đảm bảo gây mê an toàn, hay trường hợp suy tim do thiếu máu nặng, cần tăng lượng Hb để chống thiếu oxy. Liều truyền 10 – 15 ml/kg
Phương pháp điều trị
Tùy theo nguyên nhân mà có những cách chữa bệnh thiếu máu ở trẻ em khác nhau. Có rất nhiều nguyên nhân gây nên bệnh thiếu máu ở trẻ em trong đó phần lớn là do chế độ ăn chưa thích hợp, thiếu cân bằng dưỡng chất và thiếu sắt. Vì vậy cần điều chỉnh chế độ ăn phù hợp với lứa tuổi. Một số thực phẩm chứa hàm lượng sắt cao như: Trứng gà, thịt, nhất là thịt bò, gan lợn, nhiều rau xanh, súp lơ xanh, các loại hạt, bí ngô.
Nếu do các bệnh mạn tính đường ruột gây kém hấp thu sắt, trẻ cần phải được điều trị ngay. Bên cạnh đó, một số nguyên nhân gây mất máu mạn tính như giun móc, chảy máu dạ dày do viêm… cũng gây thiếu máu thiếu sắt và cần nhanh chóng được bác sĩ can thiệp.
Lưu ý khi bổ sung thực phẩm giàu chất sắt
Để nhận được nhiều sắt từ thực phẩm, bạn cần lưu ý những điểm sau:
– Ăn những thực phẩm giàu vitamin C (như cam, dâu tây, súp lơ, giá đậu… ) để giúp cơ thể tăng hấp thu sắt gấp 6 lần.
– Tanin trong các loại thực vật có vị chát như trà và ổi ngăn cản sự hấp thu của hầu hết vi khoáng như sắt, kẽm, đồng… Vì vậy, không nên cho trẻ uống trà sau khi ăn các thức ăn giàu vi khoáng như hải sản, rong biển, thịt đỏ… ít nhất hai giờ.
– Canxi trong những sản phẩm sữa có thể giảm hấp thu sắt, nếu bạn phải bổ sung canxi hoặc antacid có chứa canxi, nên uống chúng giữa hai bữa ăn.