Nói ngọng là hiện tượng khá phổ biến ở trẻ trong độ tuổi đang tập nói. Đây là một biểu hiện bình thường, song nếu tình trạng này kéo dài tới khi trẻ đã lớn thì sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt của trẻ. Dưới đây là những cách chữa nói ngọng ở trẻ em mà cha mẹ cần biết.
Ngôn ngữ của trẻ được hình thành dựa trên các phản xạ có điều kiện, do các yếu tố môi trường tác động vào trung tâm nghe. Nói ngọng được hình thành từ sự rối loạn của quá trình đó.
Vì sao trẻ nói ngọng?
Nói ngọng ở trẻ có 2 dạng phổ biến là nói ngọng sinh lý (do cơ quan phát âm có tật bẩm sinh) và nói ngọng mang tính chất xã hội (phát âm lệch chuẩn). Có một vài yếu tố dẫn đến trẻ nói ngọng như:
– Trẻ tự bóp méo âm thanh theo ý hiểu của mình để diễn đạt cho người lớn.
– Cha mẹ không sửa kịp thời khi trẻ nói sai và cố tình nói sai theo con để con dễ hiểu.
– Người xung quanh cố tình nói sai để trẻ bắt chước.
– Trẻ bị bệnh gây khó thở, ngạt mũi cũng dễ nói ngọng vì phải thè lưỡi phát âm.
Cách chữa nói ngọng ở trẻ em
Dưới đây là một số phương pháp chữa nói ngọng cho trẻ các mẹ có thể áp dụng:
– Luyện cơ hàm cho trẻ từ khi còn bé bằng các thực phẩm có lợi, giúp con có cơ hàm khỏe mạnh, linh hoạt.
– Hướng dẫn con súc miệng hoặc lăn một vật từ má bên này sang bê kia trong miệng để giúp con có cơ má và lưỡi mềm.
– Phòng tránh và điều trị triệt để các bệnh ngạt mũi, khó thở và phải thở bằng miệng ở trẻ.
– Cha mẹ tuyệt đối không cố tình phát âm sai theo con. Điều này sẽ làm trẻ nghĩ rằng nói như thế sẽ hay hơn.
– Cha mẹ cần tạo cảm giác thoải mái cho con khi giao tiếp, không nên hỏi nhiều và hỏi dồn dập sẽ khiến con lúng túng, dẫn đến nói lắp, nói ngọng…
– Giúp trẻ bỏ các thói quen xấu có thể làm cho con bị ngọng như mút tay, cho tay vào miệng, ngoáy mũi… Cha mẹ cần thường xuyên nhắc nhở để trẻ dần bỏ những thói quen này bằng cách bày các trò chơi thú vị để trẻ chơi mà quên đi các thói quen trên.
– Thường xuyên dành thời gian để nói chuyện, hát, đọc sách cho con nghe, sử dụng từ ngữ thật chuẩn để con có thể học theo.
– Tạo điều kiện tối đa để con được tiếp xúc với môi trường bên ngoài, qua đó giúp tăng cường hoạt động giao tiếp ở chỗ đông người, khiến con trở nên hoạt ngôn hơn.
– Hạn chế để trẻ tiếp xúc nhiều với những người nói ngọng. Đặc biệt, khi con nói ngọng thì cha mẹ tuyệt đối không nhại lại mà phải sửa cách phát âm cho trẻ, nếu không trẻ sẽ không phân biệt được đúng sai.
Khi áp dụng cách chữa nói ngọng ở trẻ em, các bậc phụ huynh cần thật sự kiên trì bởi đây là không phải là việc làm có thể nhanh chóng đạt hiệu quả. Trong trường hợp nghi ngờ con bị nói ngọng do yếu tố sinh lý như dài lưỡi, ngắn lưỡi, có tật ở lưỡi, ở cổ họng… thì cần đưa bé đi khám để kịp thời khắc phục.
Nói ngọng là tật mà hầu hết trẻ em đều mắc phải. Mặc dù hàng ngày nghe con nói ngọng líu lo cũng dễ thương và đáng yêu, nhưng các bậc phụ huynh không nên chủ quan xem việc nói ngọng là quá trình tự nhiên mà không cần quan tâm đến sự hình thành ngôn ngữ của trẻ. Ngược lại, cần phải theo dõi những bất thường và phải thường xuyên sửa cách phát âm cho con bằng những cách chữa nói ngọng ở trẻ em như trên để có sự can thiệp kịp thời. Những trẻ phát triển ngôn ngữ kém thì phụ huynh không nên cho con tham gia hoạt động nhìn quá nhiều vì sẽ khiến cung phản xạ nghe nói bị gián đoạn, hình thành phản xạ nhìn – nói.