Viêm amidan là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là lứa tuổi từ 3-7 tuổi. Bệnh viêm amidan nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm và ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe của trẻ. Dưới đây là một số gợi ý về cách chữa viêm amidan ở trẻ em.
Bệnh viêm amidan là gì?
– Amidan là một tổ chức những tế bào lympho có tác dụng bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn và là hàng rào miễn dịch vùng họng miệng. Bộ phận này hoạt động mạnh nhất từ 4-10 tuổi, đến tuổi dậy thì mức độ miễn dịch của amidan không còn mạnh nữa.
– Viêm amidan là khi amidan chống lại sự xâm nhập ồ ạt của vi khuẩn vào mũi họng vượt quá mức dẫn đến tình trạng amidan bị sưng viêm, đỏ. Bên cạnh đó, sự tiêu diệt vi khuẩn tại amidan thường để lại xác vi khuẩn và xác bạch cầu, mô hoại tử tạo thành các cục mủ rất hôi.
Cách chữa viêm amidan ở trẻ em
Đối với bệnh viêm amidan ở trẻ em, có thể điều trị bằng cách dùng thuốc hoặc phẫu thuật cắt bỏ amidan nếu cần thiết.
– Sử dụng thuốc là một trong những cách chữa viêm amidan ở trẻ em. Bệnh viêm amidan do nhiễm lên cầu thường được điều trị bằng kháng sinh như penicillin. Trong trường hợp trẻ khó nuốt, có thể dùng penicillin đường tiêm. Cần điều trị kháng sinh ít nhất 10 ngày ngay cả khi trẻ đã cảm thấy khá hơn sau 1-2 ngày. Dừng kháng sinh sớm có thể tạo ra các chủng vi khuẩn kháng lại kháng sinh. Hơn nữa, sẽ có nguy cơ cao bị viêm lại và gây biến chứng nặng.
Hiện nay chưa có biện pháp điều trị virus gây viêm amidan và chỉ có các biện pháp bổ trợ trong đợt nhiễm virus. Có thể kéo dài từ 7 – 14 ngày cho tới khi trẻ bình phục hoàn toàn.
– Phẫu thuật là một cách chữa viêm amidan ở trẻ em trong trường hợp được các bác sĩ chuyên khoa chỉ định. Thông thường, cần cắt amidan trong các trường hợp sau:
+ Amiđan quá phát gây nên tình trạng bít tắc đường thở, đường ăn
+ Có nghi ngờ bị ung thư amiđan.
+ Liên tục bị tái phát viêm amidan trong 6 lần/ năm hoặc 3 lần/ năm trong vòng 2 năm.
+ Trẻ bị viêm amidan tái phát cấp do liên cầu trùng tan huyết Bêta nhóm A có kèm theo tiền sử thường bị co giật khi sốt cao.
+ Viêm amidan mạn tính hoặc viêm amidan tái phát cấp ở trẻ mang mầm bệnh liên cầu trùng mà không đáp ứng điều trị bằng thuốc.
+ Viêm amidan mạn tính đã được điều trị nội khoa nhưng trẻ vẫn đau họng dai dẳng, viêm đau hạch cổ và hơi thở có mùi hôi.
+ Trẻ bị mưng mủ quanh khu vực amidan ít nhất một lần và phải nhập viện điều trị.
+ Trẻ bị viêm amidan gây biến chứng viêm cầu thận hoặc mưng mủ hạch cổ.
Tuy nhiên, đối với trẻ em dưới 5 tuổi hoặc có các bệnh khác kèm theo như tim mạch, đái đường,… thì nên hạn chế cắt amidan.