Khi bé nhà bạn bị chậm nói đừng vội lo lắng mà hãy theo dõi, quan sát các biểu hiện của bé để áp dụng những phương pháp điều trị thích hợp. Dưới đây là một số cách dạy trẻ chậm nói mà bạn có thể tham khảo.
Nhận biết trẻ chậm nói
Chậm nói là một trong những biểu hiện của bệnh tự kỷ ở trẻ. Tuy nhiên không phải trường hợp nào bé chậm nói cũng bị coi là tự kỷ mà bố mẹ cần theo dõi thêm những biểu hiện khác của trẻ để đưa ra kết luận. Theo các chuyên gia nhi khoa, giai đoạn phát triển ngôn ngữ của trẻ bình thường sẽ như sau:
– Từ 3 – 6 tháng: Các bé sẽ có những phản ứng về những phía phát ra tiếng động như đang muốn nói chuyện cùng.
– Từ 6 – 9 tháng: Bé có thể phát âm những từ ngữ đơn giản như bà, ba, mẹ…
– Từ 9 – 12 tháng: Bé có thể nói rõ ràng những từ 2 âm tiết.
– Từ 12 tháng – 15 tháng: Bé nói được những câu có ngữ điệu và nói rành mạch hơn.
Càng lớn, vốn ngôn ngữ của bé sẽ càng phong phú hơn, phát âm rõ ràng, nói được những câu dài và hiểu được người khác nói gì. Trong trường hợp bé đã đủ 18 tháng tuổi trở lên mà chưa phát âm được 2 từ, hoặc có những phản ứng kém linh hoạt với ngôn ngữ như khi gọi tên nhưng không ngoảnh lại, không đáp lời thì chứng tỏ bé có dấu hiệu chậm nói.
Cách dạy trẻ chậm nói hiệu quả nhất
Có một số cách dạy trẻ chậm nói tuy đơn giản nhưng có thể sẽ mang lại hiệu quả cao, giúp bé nhà bạn bổ sung vốn từ phong phú, phát triển tư duy ngôn ngữ và nói nhiều hơn.
– Hãy nói chuyện với trẻ nhiều hơn: Ngay cả khi trẻ không nói được nhưng những câu chuyện đơn giản mà bạn nói với trẻ bằng ngôn ngữ, cử chỉ trìu mến cũng có thể cải thiện thái độ nghe của trẻ. Hãy nói chuyện với bé mọi lúc mọi nơi như lúc cho bé ăn, bé tắm, ru bé ngủ, đưa bé đi chơi…Khi bé muốn đưa cho bạn một đồ vật nào đó bạn hãy đón nhận lấy, còn nếu bé muốn lấy đồ vật, hãy khuyến khích bé dùng hành động để có được nó. Bạn hãy giao tiếp với bé bằng những câu hỏi đơn giản để kích thích phản ứng của bé. Không ép trẻ nói nhưng bạn nên dành lời khen khi trẻ đang tập nói. Bạn hãy chú ý lắng nghe, cho con có thời gian thực hiện những lời sắp nói, cần động viên trẻ nhiều hơn. Đây là cách dạy trẻ chậm nói tưởng như đơn giản nhưng lại được nhiều chuyên gia đánh gia rất cao.
-Dạy trẻ tập nói những từ đơn giản: Khi bắt đầu dạy trẻ tập nói nên dạy những từ đơn giản, dễ hiểu trước. Tốt nhất là nên dạy trẻ nói dựa theo những tình huống diễn ra hàng ngày, tạo thêm nhiều tình huống khác nhau khi muốn diễn đạt một từ nào đó. Tập luyện cho bé nghe các âm thanh khác nhau hay có thể tập cho con giao tiếp qua những hình ảnh, cử chỉ cũng là phương pháp giúp cho trẻ tập nói tốt hơn. Không cho trẻ xem ti vi hay sử dụng điện thoại quá nhiều, nên kiểm soát thời gian xem tivi và các chương trình ti vi mà bé có thể xem. Khi bé xem tivi, cha mẹ nên cùng xem với bé để bình luận về các nhân vật, hội thoại trong phim để giúp trẻ xây dựng phản xạ ngôn ngữ.
– Không bắt chước ngôn ngữ của bé: Do khẩu hình miệng chưa phát triển hoàn thiện nên các bé thường phát âm không chuẩn, nói ngọng, nói không rõ lời. Bạn không nên bắt chước cách nói đó của trẻ trong quá trình dạy trẻ chậm nói bởi trẻ sẽ tưởng đó là nói đúng và sẽ tiếp tục nói như vậy. Lâu dần sẽ thành thói quen khó sửa, trẻ sẽ nói sai, nói ngọng nhiều nhiều hơn.
– Cho bé tiếp xúc với mọi người xung quanh đặc biệt là với các bạn đồng lứa: Nghiên cứu khoa học đã cho thấy khi được gặp các bạn đồng lứa các bé có thể nói chuyện với nhau không thông qua ngôn ngữ. Các bé được giao lưu với nhau, chơi đùa cùng nhau sẽ tăng khả năng giao tiếp của các bé. Càng tiếp xúc nhiều với môi trường bên ngoài bé sẽ càng dạn dĩ, năng động và nhanh nhẹn hơn, sẽ không còn tâm lý sợ sệt và có cơ hội để phát triển ngôn ngữ tốt hơn. Cách dạy trẻ tập nói này rất hiệu quả và đơn giản mà bố mẹ nên áp dụng thường xuyên. Không nên nhốt bé ở nhà một mình chỉ chơi với đồ chơi, như vậy vô hình chúng sẽ cô lập các bé, hạn chế khả năng nói của bé.