Động kinh là một bệnh thường gặp của não và khá phổ biến ở trẻ em. Bệnh có thể phát cơn ngau từ lúc sơ sinh và ở mọi lứa tuổi. Biểu hiện của bệnh là trẻ thường bị những cơn co giật lặp đi, lặp lại nhiều lần. Dưới đây là một số thông tin về cách điều trị bệnh động kinh ở trẻ em.
Bệnh động kinh là gì?
Bệnh động kinh là nhóm bệnh rối loạn não rất đa dạng, xuất hiện ở giai đoạn não đang phát triển. Một cơn động kinh có thể kéo dài từ vài giây đến vài phút, tuy không đau đớn nhưng thường rất khó chịu. Một số loại cơn động kinh trẻ em thường gặp như sau:
+ Cơn lớn: Cơn co giật toàn thể .
+ Cơn cục bộ: Chỉ co giật 1 tay, 1 chân, 1/2 người, cơn quay, …
+ Cơn nhỏ: Cơn vắng ý thức.
+ Cơn tự động: Cơn đi, cơn nhai, cơn đau nội tạng, cơn kích động, …
+ Trạng thái động kinh: Nhiều cơn kế tiếp kéo dài trên 1 giờ (cấp cứu).
Cách xử lý khi trẻ lên cơn động kinh
– Trước cơn: Rất khó lường trước, cần chú ý chăm sóc theo dõi sức khoẻ tốt cho trẻ: ở nhà, ở nhà trẻ, ở lớp, ở trường.
– Trong cơn: Gia đình cần giữ bình tĩnh, nới lỏng hết quần áo cho trẻ, giữ trẻ nằm nghiêng ở chỗ an toàn. Bên cạnh đó, cần thực hiện 5 không: Không nhét vật gì vào miệng trẻ; Không cho ăn, uống; Không cho uống thuốc; Không đè giữ; Không cho tiếp xúc các đồ vật trên da, trên người của trẻ. Có thể chườm đá, chườm khăn ướt để hạ sốt, xoa dầu nóng bàn chân, bàn tay cho trẻ.
– Sau cơn: Dùng khăn sạch lau đờm rãi, rửa chỗ xây xước, băng sạch, thay quần áo và đưa trẻ đến ngay bệnh viện để khám.
Cách điều trị bệnh động kinh ở trẻ em
Cách điều trị bệnh động kinh ở trẻ em bằng thuốc
– Trẻ động kinh phải được uống thuốc theo đúng như chỉ dẫn của bác sĩ, uống thường xuyên liên tục và chỉ được ngừng thuốc theo y lệnh.
– Việc uống thuốc phải được thực hiện đúng liều, đúng giờ. Phải ghi sổ theo dõi cơn, tốt nhất là sổ lịch, ghi rõ số cơn, loại cơn, ngày giờ lên cơn, …
– Trẻ động kinh phải có sổ theo dõi điều trị ngoại trú và được định kỳ khám chuyên khoa theo hướng dẫn.
Huấn luyện phục hồi cho trẻ động kinh
– Em bé động kinh phải được cho bú, cho ăn như trẻ khác, phải được vui chơi với trẻ khác, phải được đến trường học.
– Gia đình cần huấn luyện cho trẻ các kỹ năng tự lập như tự ăn uống, ăn cùng gia đình. Tự rửa tay, tắm, đánh răng, rửa mặt. Tự đi vệ sinh, tự mặc quần áo. Nói chung, cần tạo điều kiện để trẻ làm được mọi việc như những trẻ tuổi khác.
– Đề phòng tai nạn cho trẻ động kinh: Khi chưa hết cơn, không để trẻ ở nhà một mình. Nhà cửa phải được bố trí an toàn, không bày nhiều đồ vật dễ vỡ, dễ đổ. Không cho trẻ vào bồn tắm, toalet hoặc đi tắm, đi bơi một mình. Không cho trẻ trèo thang và leo cao. Để trẻ tránh xa bếp lửa, không nhìn lửa, nhìn nguồn sáng nhấp nháy vì có thể gây cơn động kinh…