U máu là một bệnh lý bẩm sinh thường gặp ở trẻ em và trẻ sơ sinh. Các khối u được hình thành do sự tăng sinh quá mức của mạch máu. Bệnh u máu lành tính, không di căn, không tái phát nếu được điều trị đúng và không gây tử vong. Do là bệnh lành tính nên cách điều trị bệnh u máu ở trẻ em không cần đến những phương pháp điều trị đặc biệt.
Nguyên nhân gây ra bệnh u máu ở trẻ em

Hiện nay, chúng ta vẫn chưa có thông tin chính xác nguyên nhân gây ra bệnh u máu ở trẻ em. Tuy nhiên, có thể chia các u máu thành hai loại sau:
Khối u máu ở trẻ nhỏ (Infantile hemangioma): những u này thường xuất hiện khi bé được vài tuần đến vài tháng tuổi dưới dạng một vết đỏ như nốt ruồi son, phát triển lớn dần đến khoảng được 6 tháng tuổi thì dừng lại, duy trì như vậy từ 6 tháng đến 2 tuổi, sau đó thoái hoá dần và đến 6 tuổi thì hoàn toàn biến mất.
Khối u máu bẩm sinh (congenital hemangioma):
– Những u này xuất hiện từ trong bào thai, do đó khi sinh ra là đã thấy có, người ta chia các u này thành 2 dạng:
+ Dạng thoái triển (Rapid Involuting Congenital Hemangioma) gọi tắt là RICH: một khối màu đỏ tía lớn nhỏ tuỳ trường hợp, và tiến triển cũng giống như loại bướu máu trẻ nhỏ.
+ Dạng không thoái triển (Non Involuting Congenital Hemangioma) gọi tắt là NICH: bướu phát triển lớn dần ở mức độ nào đó thì ngưng phát triển, và sẽ tồn tại mãi không thoái hoá.
Cá khối u máu có đặc điểm như một khối u thông thường nhưng chúng có điểm đặc trưng là chứa đầy mạch máu và máu. Khác với các khối u phần mềm khác, thường to lên và phát triển theo thời gian, u máu thì đa phần lành tính và tự khỏi. Về hình thái, u máu được chia làm 3 loại:
– U máu mao mạch: Xuất hiện như một vết son hay một mảng màu rượu chát trên cùng mặt phẳng với da bình thường, ấn xuống không mất màu.
– U máu dạng hang: Thường lớn, nhô khỏi mặt da. Trong đa số trường hợp, u lan rộng và xâm lấn mô dưới da, cơ và có thể làm biến dạng cơ thể. Loại u này có thể xuất hiện cả ở các cơ quan nội tạng hay trong não.
– U hỗn hợp: Thường gồm cả thể hang và mạch bạch huyết, gặp nhiều nhất ở tuyến mang tai, thương tổn nằm cả trong và dưới da.
U máu là u lành tính và có thể hết sau 1 thời gian, vì vậy các bậc cha mẹ không nên quá lo lắng khi con mình bị bệnh u máu.
Triệu chứng bệnh u máu ở trẻ em
Triệu chứng bệnh u máu ở trẻ em được biểu hiện ở 3 cấp độ sau:
– Cấp độ thứ nhất là dạng nhẹ. Biểu hiện là những vết thay đổi màu sắc với các màu đỏ, đỏ tím hoặc phớt xanh. Ở giai đoạn này đa phần chúng bằng phẳng như hình dạng cái bớt chứ ít tạo thành u, cục hay khối.
– Cấp độ thứ hai là dạng trung bình. Giai đoạn này thì u máu bắt đầu phát triển thành một khối u thực sự. Chúng có thể gồ lên, nổi lên hoặc đội da lên thành một khối có hình dạng, kích thước rõ ràng. Chúng mang màu của máu trong khối u.
– Cấp độ thứ ba giống dạng trung bình nhưng có biểu hiện kèm theo như sự chảy máu hoặc bị loét khi khối u bị vỡ ra hay biến chứng. Bên cạnh đó là những dấu hiệu đặc thù cơ quan mà tại đó khối u máu to lên, chèn ép vào tạng và cơ quan chủ đích.
U máu thường tự biết mất khi trưởng thành và ít gây ra biến chứng. Theo ghi nhận có rất ít trường hợp u máu tồn tại và phát triển to lên. Nhưng cũng có một số trường hợp có thể gây ra biến chứng. Biến chứng của u máu nói chung ít nguy hiểm và rất ít khi xảy ra. Thường thì người ta không đặt vấn đề về biến chứng trong bệnh này.
Các u máu ở ngoài da khá dễ phát hiện, đôi khi có thể bị chẩn đoán nhầm với những vết xước ngoài da hay những chấn thương phần mềm. Nhưng với u máu trong sâu nội tạng thì cần phải có những xét nghiệm chuyên biệt. Ba xét nghiệm hay được phối hợp thêm để chẩn đoán là siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT) và chụp công hưởng từ (MRI).
Cách điều trị bệnh u máu ở trẻ em
Như đã nói ở trên, u máu đa phần là lành tính và không cần điều trị đặc biệt thì tự khắc chúng sẽ teo đi và biến mất. Tuy nhiên, cũng có trường hợp u máu không nhỏ đi mà sẽ tồn tại như một khối u thực sự. Lúc này, việc điều trị là cần thiết. Theo đó, cách điều trị bệnh u máu ở trẻ em sẽ tiến hành theo 3 phương pháp sau::
Phương pháp 1: Phá hủy bưới bằng cách dùng nhiệt (đốt điện), lạnh (đốt lạnh), tia xạ (dán phóng xạ), ánh sang (laser) để đốt các tế bào bướu hoặc dùng dao mổ cắt bỏ bướu.
Phương pháp 2: Kìm hãm sự phát triển của bướu bằng cách dùng thuốc corticoid ở cả 3 dạng bôi, uống hoặc tiêm, hóa trị.
Phương pháp 3: Không can thiệp vào sự tiến triển của u máu mà đợi để u tự thoái triển rồi xử lý di chứng.
Tùy theo vị trí của diễn tiến của bướu máu mà bác sĩ sẽ quyết định lựa chọn phương pháp điều trị cụ thể. Tuy nhiên, vì đây là khối u lành nên phải chú ý mục tiêu của điều trị thiên về tính thẩm mỹ hơn là việc phải phá bỏ u do sự lo sợ của người thân và bệnh nhi.