Nuôi con là cả một hành trình dài với những bài học đáng nhớ của bất cứ bà mẹ nào. Ai cũng muốn chăm sóc con yêu thật khỏe mạnh nhưng không phải bà mẹ nào cũng hiểu rõ và biết cách cho con nguồn dinh dưỡng tốt và đầy đủ nhất, để con chống lại bệnh tật. Tình trạng thường gặp nhất là mẹ không cung cấp đủ lượng vi chất A cần thiết cho bé, dẫn đến bệnh khô giác mạc ở trẻ và có thể mang theo hậu quả khôn lường đối với sự phát triển của con sau này.
Nguyên nhân gây bệnh khô giác mạc ở trẻ
Bệnh khô giác mạc ở trẻ thường xảy ra khi chế độ ăn uống của bé thiếu hụt vitamin A. Vitamin A (tên gọi khác: Retinol) là một thành phần dinh dưỡng cần thiết đối với cơ thể. Retinol chỉ có trong các loại thức ăn động vật song các loại thực vật lại giàu chất tiền vitamin A là các sắc tố dạng caroten, khi vào cơ thể chúng sẽ được chuyển hóa thành vitamin A.
Trên thực tế không ít bà mẹ vẫn chưa biết cách bổ sung dinh dưỡng cần thiết cho con, đôi khi dẫn đến tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng này nhưng lại thừa nhóm chất khác. Thực đơn nghèo nàn hay thiếu cân bằng giữa 4 nhóm chất dinh dưỡng cũng ảnh hưởng đến sự phát triển chung của trẻ.
Ngoài ra, nếu cơ thể bé bị rối loạn hấp thu dinh dưỡng thì nguy cơ mắc bệnh cũng tăng cao. Khi trẻ mắc phải các bệnh như: kiết lỵ, tiêu chảy kéo dài, sởi, viêm phế quản, nhiễm trùng tiết niệu,… mà không nhận đủ được lượng dinh dưỡng cần thiết cũng sẽ có nguy cơ thiếu Vitamin A trong cơ thể, từ đó tăng nguy cơ khô giác mạc ở trẻ.
Biểu hiện bệnh khô giác mạc ở trẻ
Quáng gà: Là biểu hiện đầu tiên khi trẻ bị khô giác mạc. Bé sẽ đi lại khó khăn vào buổi tổi, hay va vấp phải các đồ vật, hoặc phải lần theo tường để đi. Trẻ lớn hơn không dám chạy nhảy đùa nghịch nhiều mà thường chỉ ngồi yên một chỗ. Khi ăn, có thể bé sẽ xúc trượt đĩa thức ăn hay nhiều lúc có thể hay theo nhầm và tưởng người khác là mẹ mình.
Giai đoạn khô kết mạc (tức là khô lòng trắng mắt): Bình thường lòng trắng mắt của trẻ phải ướt đều, bóng láng, trong suốt. Khi mắc bệnh, lòng trắng mắt bị khô, trở nên sần sùi, sừng hoá, không còn ướt bóng nữa. Dần dần, lòng trắng mắt trở nên mờ đục, đổi thành màu vàng nhạt hoặc xám nhạt, nhăn nheo. Trên lòng trắng xuất hiện những đám bọt xốp màu trắng như bọt xà phòng. Lúc này trẻ thường hay chớp mắt, cụp mắt nhìn xuống khi tiếp xúc với ánh sáng.
Giai đoạn khô nhuyễn giác mạc (khô lòng đen): Bình thường con ngươi đều nhẵn bóng, ướt đều, trong suốt. Nhưng khi bị khô giác mạc, con ngươi sẽ trở nên mờ đục, sần sùi, mờ như tấm kính bị bám hơi nước. Nếu không được điều trị kịp thời thì chỉ trong vài ngày con ngươi bị nhuyễn nát, ổ loét có màu vàng bẩn, rồi mắt bị thủng và nhiễm khuẩn. Nếu đến giai đoạn này mới đưa trẻ đi bệnh viện khám chữa bệnh thì đã muộn, nhất định sẽ để lại sẹo giác mạc gây mù loà cho trẻ, thậm chí có thể khoét bỏ nhãn cầu. Các trẻ bị khô mắt thường kèm theo các bệnh nặng toàn thân khác như suy dinh dưỡng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hoá kéo dài, viêm phổi viêm phế quản, sởi…, có thể dẫn đến tử vong.
Phòng bệnh khô giác mạc cho trẻ
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ nhỏ cần được uống Vitamin A với liều lượng 200 ngàn đơn vị quốc tế, ngày hôm sau tiếp tục uống liều lượng tương tự, từ 1 đến 4 tuần sau uống thêm 1 lần với liều lượng như trên. Tuy nhiên, đối với những bé dưới 12 tháng tuổi, chỉ dùng một nửa liều (tức 100 đơn vị quốc tế).
Bổ sung Vitamin A hợp lý cho con theo từng giai đoạn
Đối với các mẹ đang mang thai hoặc đang cho con bú cần ăn đầy đủ dinh dưỡng thiết yếu, nghỉ ngơi hợp lý và uống đủ nước, đảm bảo cho con được hình thành khỏe mạnh. Trong 6 tháng đầu sau sinh, mẹ cần cho bé bú hoàn toàn bằng sữa mẹ bởi đây là nguồn dinh dưỡng quan trọng và cung cấp đầy đủ Vitamin A.
Sau giai đoạn này, mẹ nên bổ sung các nhóm dinh dưỡng khác nhau như chất béo, chất đạm và các loại muối khoáng để bé hấp thu đầy đủ hơn. Đây cũng là thời gian mẹ nên đưa bé đến các cơ sở y tế để được bổ sung Vitamin A liều cao theo chính sách hỗ trợ của nhà nước. Điều này sẽ giúp bé dự trữ lượng vi chất A cần thiết trong vòng 4-6 tháng.
Khi bé 9 tháng tuổi, mẹ nên đưa con đi tiêm phòng bệnh sởi, giúp giảm 50% nguy cơ thiếu vitamin A và bệnh khô giác mặt ở trẻ em.
Tăng cường Vitamin A qua chế độ ăn hàng ngày
Để bổ sung thêm vi chất A cho cơ thể trẻ, mẹ có thể chế biến những món ăn từ các loại thịt, lòng đỏ trứng, gan động vật, sữa, các loại rau củ quả có màu vàng cam hoặc xanh sẫm như: cà rốt, bí đỏ, đu đủ, rau dền,… Đây đều là những nhóm thực phẩm bổ sung vitamin hiệu quả cho trẻ nhỏ.
Bên cạnh đó, mẹ cũng nên tham khảo thêm nhiều về các nguồn thực phẩm giàu vitamin A, để chế biến bữa ăn hàng ngày cho con, từ đó bổ sung Vitamin A cho bé hiệu quả hơn.