Bệnh thiếu máu gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt thường ngày của bé, khiến trẻ không thoải mái, hay mệt mỏi khi vui chơi, nguy hiểm hơn nó còn làm bé chậm phát triển về trí tuệ và thể chất. Vậy cách phòng bệnh thiếu máu máu ở trẻ em là gì? Các mẹ hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
Bổ sung dinh dưỡng cho bé ngay từ trong bụng mẹ
Lượng sắt ở trẻ sơ sinh lệ thuộc vào sắt của mẹ nên ngay từ khi mang thai mẹ bầu phải ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, nhất là các thực phẩm có chứa nhiều sắt: Trứng gà, thịt bò, rau đậm màu, uống bổ sung thêm viên sắt để đảm bảo lượng sắt cho bé. Trẻ khi ra đời không bị thiếu sắt sẽ tránh được bệnh thiếu máu ở trẻ em vì phần lớn thiếu máu ở trẻ là do tình trạng thiếu sắt gây lên.
Cho trẻ bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu
Theo khuyến cáo của bộ y tế nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho bú đến 24 tháng. Cũng có một số ý kiến cho rằng trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng dễ bị thiếu sắt. Điều này chỉ đúng với các mẹ không dự trữ đủ sắt trong cơ thể. Còn ở một số nước trong đó có Việt Nam đã thực hiện chương trình phòng chống thiếu máu cho bà mẹ mang thai và nuôi con bú nên nguy cơ này không cao.
Trong tài liệu “Tư vấn ăn bổ sung” của WHO thì lượng sắt dự trữ ở cơ thể mẹ tới lúc trẻ 5 tháng tuổi là rất cao, đạt tới 70-90% nhu cầu của trẻ. Cũng theo tài liệu này, lượng vitamin A được dự trữ trong cơ thể trẻ từ lúc sinh tới 5 tháng cộng với sự bù đắp của sữa mẹ hằng ngày sẽ đảm bảo được hoàn toàn nhu cầu về vitamin A.
Bổ sung dinh dưỡng cho trẻ khi bắt đầu ăn dặm
Đến 6 tháng cho trẻ ăn bổ sung với đầy đủ các chất dinh dưỡng từ 4 nhóm thực phẩm (chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng) đặc biệt chú trọng các loại thực phẩm giàu sắt và vitamin C (giúp tăng cường hấp thu sắt).
Ăn nhiều rau xanh đậm màu và quả chín, nhất là các loại quả: Bưởi, cam, quýt, chuối, xoài… vì vitamin C không bị mất nhiều do không phải qua chế biến.
Một số phủ tạng động vật (tim, gan, thận, tiết) chứa nhiều chất sắt nhưng cũng chứa nhiều cholesterol, do vậy chỉ nên cho bé ăn 1 – 2 lần mỗi tuần.
Giữ vệ sinh cho trẻ
Giữ vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân cho trẻ để tránh nhiễm giun sán, không đi chân đất để tránh nhiễm giun móc (giun móc ký sinh ở ruột non, gây mất máu), tẩy giun định kỳ cho trẻ 6 tháng một lần.
Đưa trẻ đến khám bác sĩ nếu có biểu hiện thiếu máu
Khi trẻ có các biểu hiện của thiếu máu: Mệt mỏi, biếng ăn, học kém… cần đưa bé đến bệnh viện để được khám và điều trị kịp thời.