Viêm đường hô hấp ở trẻ em là căn bệnh thường gặp những lúc chuyển mùa, nhất là mùa mưa và lạnh. Dưới đây là cách phòng bệnh viêm đường hô hấp lúc giao mùa cho trẻ.
Bệnh đường hô hấp thường gặp
Các bệnh về đường hô hấp trên của trẻ thường gặp nhiều nhất vào lúc chuyển mùa là viêm amiđan, viêm VA, viêm mũi, họng, viêm xoang… Đây là những bệnh có thể xảy ra cấp tính nhưng cũng có thể thành bệnh mãn tính, mỗi khi thời tiết chuyển mùa là bệnh thường xuất hiện. Viêm đường hô hấp trên nếu không được điều trị dứt điểm thì rất có khả năng chuyển thành viêm đường hô hấp dưới (viêm phế quản, viêm phổi), đặc biệt là dạng viêm phế quản, viêm phổi cấp tính.
Trẻ bị viêm đường hô hấp thường có biểu hiện sốt, ho, chảy nước mũi, hắt xì hơi. Có thể sốt vừa hoặc sốt cao 39 – 40oC, lúc tăng lúc giảm tuy nhiên hầu hết là sốt liên tục, một số trường hợp có thể bị co giật, đặc biệt là ở trẻ dưới 5 tuổi. Tuy vậy, vẫn có một số trẻ bị viêm đường hô hấp nặng nhưng lại không sốt hoặc sốt không cao, nhất là trẻ bị còi xương, suy dinh dưỡng.
Xem thêm: Đi tiêm phòng cho trẻ sơ sinh ở đâu?
Một số trường hợp trẻ bị viêm đường hô hấp kèm theo khó thở. Nếu chỉ viêm hô hấp trên thì trẻ chủ yếu khó thở do bị nghẹt mũi nhưng ở viêm hô hấp dưới, khó thở là do phế quản phù nề hoặc do phế quản vừa bị phù nề vừa bị co thắt (viêm phế quản co thắt hay còn gọi là bệnh hen phế quản). Biểu hiện của tình trạng khó thở là tím môi, cánh mũi phập phồng, bị lõm xương ức hoặc lõm các khe của liên sườn, rối loạn nhịp thở và số lần thở.
Đa số trẻ bị viêm đường hô hấp trên ở thể nhẹ chỉ kéo dài khoảng vài ba ngày là tự khỏi mặc dù không dùng kháng sinh, bởi vì hầu hết đều do virút gây ra. Cần lưu ý khi trẻ bị viêm đường hô hấp, người nhà luôn phải chăm sóc và theo dõi bệnh tình của trẻ. Bởi vì, bệnh có thể diễn biến phức tạp hơn, từ thể nhẹ có thể trở nên nặng trong một thời gian ngắn.
Cách phòng viêm đường hô hấp cho trẻ
Có thể các mẹ quan tâm: xét nghiệm sàng lọc sơ sinh có tác dụng gì?
Để phòng bệnh viêm đường hô hấp lúc chuyển mùa cho trẻ, cần quan tâm từ chế độ ăn, uống, mặc, lúc chơi và cả khi trẻ ngủ. Không nên cho trẻ ăn hay uống các loại thức ăn đã nguội, lạnh nhất là uống nước lạnh. Khi thời tiết lạnh, cha mẹ cần mặc ấm cho trẻ ngay cả khi ở trong nhà. Ra đường cần mặc thật ấm, có mũ ấm, khăn quàng cổ, khẩu trang, găng tay, bít tất.
Trong sinh hoạt hàng ngày, khi trẻ làm ướt quần áo thì cần được thay ngay cho trẻ và tránh không cho trẻ nghịch nước. Nên tắm nước ấm trong phòng kín gió cho trẻ, tắm xong thì cần lau người thật nhanh và mặc quần áo cho trẻ. Không để gió lùa vào phòng học, phòng ngủ và phòng của trẻ chơi. Bên cạnh đó, trẻ lúc ngủ thường có phản xạ đạp tung hết chăn nên người lớn cần chú ý để đắp lại chăn cho trẻ, nếu không trẻ sẽ bị viêm đường hô hấp do cảm lạnh.
Hàng ngày, cha mẹ nên tập cho trẻ vệ sinh răng miệng nhất là ở các trẻ lớn, nên súc họng bằng nước muối sinh lý vô khuẩn. Loại nước này có bán tại các quầy dược phẩm, vừa rẻ tiền lại rất tiện lợi, hợp vệ sinh và thông dụng. Cần cho trẻ ăn đủ chất, ngoài ra cũng nên cho trẻ ăn thêm nhiều trái cây để có đủ lượng vi chất cần thiết tạo kháng thể nhằm chống các tác nhân gây nhiễm trùng.
Vì vậy, để kiểm soát được tình trạng sức khỏe của bé thì các mẹ nên đi khám sức khỏe định kỳ cho bé để kịp thời điều trị, tránh những biến chứng nhé!