Quai bị còn được gọi là bệnh viêm tuyến nước bọt mang tai dịch tễ. Đây là một bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ em trong độ tuổi 5-8 tuổi. Bệnh quai bị gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm trong đó nặng nhất là có thể bị vô sinh. Vậy cách phòng ngừa bệnh quai bị ở trẻ em là gì?
Triệu chứng của bệnh quai bị ở trẻ em
Bệnh quai bị ở trẻ em do virut quai bị thuộc nhóm Paramyxo virut gây nên, được lây truyền theo đường hô hấp, qua các bụi nước của hơi thở và truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành.
Trẻ mắc quai bị thường sốt 38 -39oC, đau đầu, chán ăn, khó nuốt, khó nói, đau nhức các khớp xương, thăm khám thấy miệng ống Stenon phù nề, tấy đỏ nhưng không có mủ chảy ra.
Vùng tuyến nước bọt ở mang tai sưng to, lan ra vùng trước tai, mỏm chũm, lan xuống dưới hàm. Da vùng sưng có màu sắc bình thường, không nóng đỏ và có tính đàn hồi. Thường sưng cả 2 bên tuyến nước bọt mang tai nhưng có khi chỉ bị sưng 1 bên.
Bên cạnh đó, virut quai bị còn gây viêm tinh hoàn, viêm não, viêm màng não, viêm tụy cấp, viêm thanh khí phế quản, viêm phổi kẽ, viêm đa khớp hoặc biểu hiện ở các cơ quan khác như tuyến lệ, tuyến ức, tuyến giáp, tuyến vú, buồng trứng.
Các tổn thương này thường có triệu chứng không điển hình và diễn biến lành tính. Vì vậy, cha mẹ cần chủ động phòng ngừa bệnh quai bị cho trẻ nhằm tránh những biến chứng xấu sau này.
Cách phòng ngừa bệnh quai bị ở trẻ em
Một trong những cách phòng ngừa bệnh quai bị ở trẻ em hiệu quả nhất là tiêm vacxin phòng bệnh quai bị. Theo đó, trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên đã có thể được tiêm phòng bệnh quai bị. Hiện nay. cha mẹ có thể lựa chọn tiêm loại vắc xin kết hợp chống 3 bệnh sởi, quai bị, rubella để giảm thiểu số lần tiêm cho bé. Loại vắc xin kết hợp này được cơ thể dung nạp tốt, có tác dụng gây miễn dịch chắc chắn và bền vững.
Bên cạnh đó, cần tránh để trẻ tiếp xúc với bệnh nhân quai bị, nếu trong trường hợp trẻ tiếp xúc với người đang mắc quai bị thì cần đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh quai bị ngay để có thể bảo vệ trẻ tránh nhiễm bệnh quai bị. Lưu ý cần tiêm vắc xin phòng quai bị không quá 72h sau khi tiếp xúc với người mắc bệnh quai bị.
Tuy vậy, không phải bất cứ trẻ nào được tiêm vắc xin cũng sẽ phòng được bệnh. Trên thực tế, việc chủng ngừa chỉ có thể phòng bệnh được khoảng 80% nên sau khi tiêm vắc xin, cha mẹ vẫn cần có ý thức phòng bệnh cho bé.