Theo số liệu thống kê, khoảng 2/3 số trẻ em bị nhiễm trùng tai ít nhất một lần trước khi lên hai tuổi. Vì vậy, cha mẹ cần biết cách phòng tránh nhiễm trùng tai cho trẻ để giúp con yêu không mắc phải căn bệnh này.
Nguyên nhân trẻ bị nhiễm trùng tai
Tình trạng nhiễm trùng tai thường do vi khuẩn hoặc virus gây ra. Trẻ dưới 7 tuổi thường có thể bị nhiễm trùng tai với nhiều lý do như sau:
– Vòi Ot-tat hay còn gọi là ống thông phần sau của cổ họng với tai giữa của trẻ bị hẹp. Vị trí của những ống này có thể làm gia tăng nguy cơ trẻ bị nhiễm trùng.
– Hệ miễn dịch của trẻ đang phát triển và vẫn chưa hoàn chỉnh.
Các chuyên gia y tế ghi nhận những trẻ sinh non, sinh nhẹ cân; trẻ bị cảm lạnh dẫn đến cảm cúm; trẻ hay mắc các bệnh liên quan đến dị ứng mũi, nghẹt mũi; trẻ sống trong môi trường ô nhiễm bởi khói thuốc lá hay những trẻ bú bình không đúng cách là nhóm đối tượng dễ bị mắc bệnh nhiễm trùng tai hơn trẻ khác.
Triệu chứng trẻ bị nhiễm trùng tai
Nếu con có những dấu hiệu sau, cha mẹ nên kiểm tra xem liệu bé có đang bị nhiễm trùng tai hay không nhé.
– Bé sốt cao 39ºC đến 40ºC.
– Bị nôn trớ khi ăn hoặc bỏ bú, bỏ ăn.
– Bé thường lấy tay nắm hoặc kéo tai.
– Bé đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày.
– Đôi khi, trẻ có thể chậm phản ứng với các tiếng động ở xung quanh, tình trạng này được gọi là điếc tạm thời. Nếu nặng có thể bị chảy mủ ở tai màu nâu vàng hoặc màu trắng đục.
Tác hại của bệnh nhiễm trùng tai ở trẻ
Nhiễm trùng tai ở trẻ có thể để lại những di chứng khó lường nếu không được điều trị kịp thời như bị thủng màng nhĩ, giảm thính lực, gây nên những rối loạn về ngôn ngữ như nói ngọng, nói không rõ,… Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình giao tiếp của trẻ khi lớn lên. Nặng hơn, trẻ có thể gặp phải những biến chứng nguy hiểm về não như viêm màng não, viêm tắc tĩnh mạch hoặc bị liệt dây thần kinh mặt. Do đó, để bảo vệ sức khỏe cho con yêu, cha mẹ nên biết cách phòng tránh nhiễm trùng tai cho trẻ để bé có thể được phát triển khỏe mạnh nhất.
Cách phòng tránh nhiễm trùng tai cho trẻ
Để phòng ngừa bệnh nhiễm trùng tai cho trẻ, cha mẹ có thể sử dụng các biện pháp sau:
– Cho bé bú mẹ đầy đủ để tăng cường hệ miễn dịch.
– Tránh để trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá nhằm hạn chế tình trạng ngộ độc đường hô hấp.
– Tránh để bé bị cảm, nghẹt mũi, viêm đường hô hấp,…
– Cho bé bú bình đúng tư thế, không nên cho bé nằm và bú bình.
– Tiêm phòng đầy đủ cho con để tránh trường hợp bị viêm nhiễm, sốt,…
Trên đây là những thông tin về nguyên nhân, dấu hiệu, tác hại và cách phòng tránh nhiễm trùng tai cho trẻ mà cha mẹ có thể tham khảo để chăm sóc con yêu được tốt hơn. Hi vọng những thông tin này sẽ hữu ích cho các bậc phụ huynh trong hành trình “nuôi con không phải là cuộc chiến” của cha mẹ.