Trẻ bị chảy máu cam ở mũi khi bị vỡ mạch máu mũi, hiện tượng này hết sức bình thường. Trong trường hợp này người lớn cần bình tĩnh để sơ cứu cho con đúng kỹ thuật.
Hiện tượng chảy máu cam thường gặp ở trẻ từ 2- 10 tuổi, đặc biệt trong thời tiết khắc nghiệt khi nhiệt độ tăng cao bất thường.
Trẻ bị chảy máu cam có nguy hiểm không ?
Mạch máu ở trẻ rất nhạy cảm và có thể bị vỡ khi thời tiết nóng bức; khi trẻ ngồi quá lâu dưới điều hòa khiến vùng mũi bị dị ứng, bé bị nhiễm trùng ở mũi họng dẫn tới tình trạng chảy máu cam.
Chảy máu mũi được chia thành 2 loại: chảy máu mũi trước và chảy máu mũi sau. Hầu hết trẻ bị chảy máu mũi trước (thường là chảy máu một bên và chảy ra ngoài mũi) nên ít nguy hiểm. Trường hợp trẻ bị chảy máu mũi sau rất hiếm (máu chảy ra phía sau và đi xuống họng), tuy nhiên nếu gặp thì sẽ nguy hiểm và khó kiểm soát hơn.
Nguyên nhân trẻ bị chảy máu cam
Chảy máu cam xuất hiện vì nhiều lý do như:
+ Mạch máu quá nhạy cảm và có thể vỡ khi thời tiết hanh khô hoặc khi sử dụng máy điều hòa, lò sưởi quá lâu.
+ Dị ứng, nhiễm trùng ở mũi họng và xoang.
+ Ngoáy mũi hay xì mũi quá mạnh.
+ Trẻ đưa các dị vật vào mũi như đồ chơi…
+ Rặn mạnh khi đi vệ sinh do con bị táo bón.
+ Vách ngăn mũi bị vẹo.
+ Sử dụng 1 số loại thuốc như thuốc chống viêm, thuốc xịt mũi.
+ Gãy xương mũi hay vỡ nền sọ, trường hợp này cần đặc biệt cẩn thận.
+ Bệnh rối loạn đông máu.
+ Rất hiếm khi, có thể do các khối u (lành tính và ác tính).
Cách sơ cứu khi trẻ bị chảy máu cam
Nếu chăm sóc đúng cách, phần lớn các trường hợp chảy máu cam trước sẽ hết nếu mẹ thực hiện đúng các bước sau:
+ Trấn tĩnh tinh thần con rồi yêu cầu bé xì mũi để loại bỏ các cục máu đông đã hình thành bên trong mũi. Việc này có thể khiến máu chảy nhiều hơn trong 1 lát nhưng sau đó sẽ ổn. Nếu trẻ quá nhỏ thì bỏ qua bước này.
+ Đặt trẻ ngồi thẳng, đầu và cổ hơi ngả về trước để máu không chảy xuống họng, tránh gây buồn nôn. Tuyệt đối không đặt trẻ ở tư thế nằm hay ngả đầu ra sau.
+ Dùng ngón trỏ và ngón cái bóp chặt hai bên cánh mũi của trẻ trong 10 phút. Đừng thả tay thường xuyên để kiểm tra xem máu ngừng chảy chưa vì máu cần thời gian để tạo cục máu đông. Nếu thả tay quá sớm sẽ khiến máu tiếp tục chảy nhiều hơn. Bạn có thể chườm lạnh lên vùng gốc mũi hoặc cho trẻ ngậm một viên đá. Điều này giúp mạch máu ở mũi co lại, làm chậm quá trình chảy máu.
+ Cho trẻ nhổ máu tích tụ trong miệng vì nếu nuốt có thể gây buồn nôn.
+ Cho trẻ uống nước để đỡ căng thẳng và loại bớt mùi máu trong miệng.
+ Sau 10 phút thì thả tay xem máu ngừng chảy chưa.
Nếu máu vẫn tiếp tục chảy thì bạn có thể làm lại các bước trên một lần nữa. Có thể dùng thuốc co mạch tại chỗ (Afrin hoặc Rhinex) nhỏ vào mũi để giúp máu ngưng chảy.
Mẹ nhớ chú ý sau khi con chảy máu cam không cho trẻ uống đồ nóng hay thức ăn nóng.
Trẻ chảy máu cam về đêm
Có một số trường hợp trẻ bị chảy máu cam vào ban đêm có thể do:
+ Do con ngoáy mũi hoặc bị va đập trực tiếp vào mũi như: Bị đánh, ngã…
+ Viêm đường hô hấp trên như: Cúm, xoang, hít phải khí độc…
+ Không khí quá khô do nhiệt độ ẩm thấp.
+ Lệch vách ngăn mũi, khối u trong mũi như: u xơ vòm, ung thư vòm mũi họng,…
+ Có dị vật trong mũi
+ Bị cao huyết áp hoặc rối loạn quá trình đông máu.
Khi thấy con bị chảy máu cam bất thường vào ban đêm, phụ huynh hãy thật bình tĩnh và dỗ dành trẻ.
Ba mẹ nên ôm con vào lòng và khẽ nghiêng người trẻ, ngả về phía sau. Chuẩn bị một chiếc khăn sạch, mềm, thấm vào lỗ mũi của con. Giữ yên động tác này trong vài phút cho đến khi máu ở mũi trẻ ngừng chảy thì ngưng. Bên cạnh đó, phụ huynh có thể gây mất sự chú ý của trẻ bằng cách hát cho con nghe, cho con xem phim hoạt hình… để con bớt lo sợ.
Nếu trẻ còn chảy máu nữa thì hãy lặp lại thao tác trên đồng thời có thể dùng khăn lạnh chườm sống mũi để cầm máu.
Với cách sơ cứu cho trẻ bị chảy máu cam trên đây, ba mẹ hoàn toàn có thể dễ dàng thực hiện ngay mà không hề khó. Hãy trang bị ngay những kiến thức đơn giản ngay từ hôm nay để bảo vệ con trước những thay đổi thất thường của cơ thể ba mẹ nhé.
Bạn đang đọc bài viết: Cách sơ cứu khi trẻ bị chảy máu cam