Những vết bỏng nếu không được sơ cứu kịp thời sẽ để lại ảnh hưởng nặng nề cả về tinh thần lẫn sức khỏe của con. Do đó ba mẹ cần nắm được kiến thức sơ cấp cứu khi trẻ bị bỏng để bảo vệ con.
Trẻ bị bỏng rất nguy hiểm
Theo số liệu thống kê của Viện bỏng Quốc gia thì cứ trong 100 nạn nhân bỏng có từ 40 đến 65 người là trẻ em. Trong 100 trẻ em bị bỏng thì có từ 50 đến 60 bé nằm trong độ tuổi từ 1 đến 3 tuổi.
Nguyên nhân gây bỏng ở trẻ chủ yếu là do bỏng nước sôi (từ phích nước nóng, ấm nước nóng), bỏng do thức ăn (canh nóng, cháo nóng), số còn lại là do lửa, hóa chất và điện.
Đánh giá độ sâu của vết bỏng
Bộ mẹ cần đánh giá được mức độ bỏng của con để có cách sơ cứu kịp thời và chính xác nhất.
Bỏng độ 1:
Da đỏ lên, không có phỏng nước.
Chỉ ảnh hưởng đỏ ở lớp da nông nhất.
Vết bỏng nhanh lành, không để lại sẹo.
Bỏng độ 2:
Da bị tổn thương sâu hơn, có phỏng nước, gây đau đớn. Tuy nhiên bạn tuyệt đối không được chọc phá các bọng nước này.
Một phần chân bì (phần ở sâu của da) vẫn còn nên có thể tái tạo được.
Nếu điều trị đúng hướng sẽ không để lại sẹo, trừ khi diện tích bỏng lớn.
Bỏng độ 3:
Hủy hoại toàn bộ bề dày của da. Thường không có bóng nước vì lớp da trên cùng đã bị phá hủy hoàn toàn.
Vùng da bỏng có màu trắng hoặc cháy sém. Có những trường hợp bỏng sâu tới cơ và xương.
Chắc chắn để lại sẹo ngay cả khi điều trị đúng cách.
Cách sơ cấp cứu khi trẻ bị bỏng đúng chuẩn
– Đưa bé lập tức ra khỏi nguồn gây bỏng, trấn tĩnh động viên bé để con không giãy giụa sẽ khiến vết bỏng lan nhanh.
– Mở vòi nước chảy nhẹ, rửa sạch vết bỏng một cách chậm rãi. Nước có thể làm dịu vết bỏng, giúp da không bị phồng rộp.
– Nếu bé bị bỏng nhẹ và diện tích vết bỏng nhỏ thì mẹ có thể trực tiếp rửa sạch vết bỏng dưới vòi nước. Trong trường hợp vết bỏng bị phồng rộp thì dùng gạc quấn nhẹ và không thoa bất cứ thứ gì lên vết bỏng. Vết bỏng nhẹ có thể được điều trị ngay tại nhà.
– Nếu bé bị bỏng nặng, sâu và diện tích vết bỏng lớn, điều đầu tiên cần làm là cắt bỏ quần áo để lộ phần bỏng của bé ra. Với những vết bỏng khô và dính chặt quần áo với da thì không nên cố gắng lột bỏ mà ngâm người bé vào nước lạnh hoặc dùng khăn ướt chườm ngay lên vết bỏng để làm dịu vùng da bị tổn thương.
– Nếu bé bị bỏng hoá chất thì người lớn phải thật cẩn thận chú ý để tránh cho nước làm hoá chất lan rộng ra vùng da khác. Sau khi đã làm mát vết bỏng, đắp một miếng gạc lên vết bỏng để tránh vết bỏng bị nhiễm trùng.
– Ba mẹ đưa bé đi khám bác sĩ ngay nếu:
+ Bỏng diện rộng ở một phần cơ thể (bỏng toàn bộ lưng, ngực và bụng, hoặc bỏng toàn bộ một bàn tay, bàn chân). Bỏng diện rộng rất nguy hiểm vì nó sẽ khiến bé gặp đau đớn.
+ Bỏng ở mặt.
+ Bỏng độ 2 trở lên.
Các trường hợp bị bỏng cần lưu ý:
– Nếu bé bị bỏng do lửa thì không được để bé chạy ra ngoài vì dễ làm ngọn lửa lan sang những vùng khác. Cần ngay lập tức dùng nước hoặc tấm chăn lớn dấp nước để dập lửa trên người bé.
– Nếu bé bị bỏng do điện giật, diện tích vết bỏng khá nhỏ nhưng độ bỏng sâu. Với các trường hợp bỏng nặng, sâu, diện tích bỏng lan rộng như trên thì phải đưa bé đến cơ sở y tế hoặc bệnh viện gần nhất để kiểm tra ngay sau khi sơ cấp cứu.
Những điều không nên làm khi bé bị bỏng:
Ba mẹ tuyệt đối không nên áp dụng những phương pháp sơ cứu vết thương không đúng như đắp bùn non, bôi kem đánh răng, vv.. Những kiểu sơ cứu này sẽ gây ra biến chứng nặng nề cho vết thương, dẫn đến nhiễm trùng vết bỏng rất khó điều trị.
Những loại thuốc cần có đề phòng trẻ bị bỏng
Hai loại thuốc nên có sẵn ở tủ thuốc gia đình là:
– Nước muối sinh lý NaCl 9 0/00 500ml.
– Một tuýp kem: BIAFINE hay SILVIRIN mua ở các nhà thuốc Tây.
Ngoài ra, cần chuẩn bị bông y tế, gạc vô trùng, băng keo cuộn vải Urgo hoặc băng thun để đề phòng những trường hợp không lường trước xảy ra. Đây là những vật dụng gia đình nào cũng cần.
Có thể thấy trẻ bị bỏng cần đến sự nhanh nhẹn, tỉnh táo của người lớn rất nhiều do đó khi con bị bỏng ba mẹ phải thật bình tĩnh xử lý. Với những thông tin bổ ích trên đây chắc chắn sẽ trang bị được những kiến thức cần thiết cho các bậc phụ huynh.
Bạn đang đọc bài viết: Cách sơ cứu nhanh chóng khi trẻ bị bỏng