Táo bón là hiện tượng thường gặp ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, tình trạng này không thể giải quyết bằng cách ăn nhiều chất xơ như người lớn. Dưới đây là cách trị táo bón cho trẻ sơ sinh các mẹ cần biết.
Nguyên nhân gây táo bón ở trẻ sơ sinh
– Thông thường, những bé chỉ bú sữa mẹ hiếm khi bị táo bón. Tuy nhiên, nếu thấy phân của bé khô, cứng hoặc bé bị đau hậu môn khi đi tiêu thì bố mẹ nên nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn.
– Nếu bé chỉ uống sữa công thức, rất có thể loại sữa đang dùng không phù hợp với bé.
– Nếu bạn đã bắt đầu cho bé ăn dặm, ngũ cốc có thể là thủ phạm gây táo bón ở trẻ do có lượng chất xơ thấp.
– Táo bón có thể do mất nước, do đó bạn nên cho bé uống nhiều nước, có thể giúp cải thiện tình hình.
Dấu hiệu nhận biết trẻ sơ sinh bị táo bón
– Không đại tiện hơn 3 hoặc 4 ngày
– Chán ăn, hơi trướng bụng
– Khó ngủ
– Hay quấy khóc với tiếng khóc ré chói tai và xì hơi nặng mùi
Cách trị táo bón cho trẻ sơ sinh
Cho bé uống nước ép trái cây loãng
Nước trái cây chỉ nên dùng cho bé uống thêm chứ không thể thay thế khẩu phần của bé. Mẹ có thể hòa 15ml nước trái cây với 15ml nước và cho bé uống 3 đến 4 lần vào giữa các bữa ăn. Lưu ý không làm ngọt nước trái cây bởi đường không giúp cải thiện tình trạng táo bón mà còn có thể ảnh hưởng xấu đến tiêu hóa.
Các loại trái cây hỗ trợ tốt cho đường tiêu hóa của trẻ là mận, táo, lê, nho, việt quất,… Mẹ nên tránh xa các loại quả hạch như mơ, đào và các quả chua như cam, bưởi chùm, kiwi, dứa và hầu hết các loại quả mọng vì chúng có thể kích thích dạ dày của bé, dễ gây dị ứng.
Áp dụng bài massage kiểu “đạp xe đạp”cho bé
Trong phòng ấm, cởi hết quần áo của bé rồi đặt lên một chiếc khăn tắm, đặt một tấm tã vải ở dưới mông bé, một tấm nữa được luồn giữa hai chân và bọc hậu môn.
Mẹ nhẹ nhàng cầm hai chân của bé rồi từ từ đẩy đầu gối phải của bé về phía vai phải. Khi đầu gối của bé đã được nâng lên cao hết cỡ, nhẹ nhàng nâng chân bé lên và kéo về phía bạn để chân bé từ từ duỗi thẳng ra. Khi duỗi chân phải thì bạn bắt đầu đẩy đầu gối trái của bé về phía vai trái.
Nếu mẹ làm đúng thao tác thì bé sẽ giống như đang đạp một chiếc xe đạp vô hình. Phần mông của bé sẽ hơi nâng lên khỏi tã vải và nhẹ nhàng nghiêng về trái rồi lại nghiêng về phải. Chúng ta không nên mặc tã cho bé để kích thích quá trình loại bỏ chất thải tự nhiên của bé, vì vậy miếng tã cần đặt giữa hai chân bé rất quan trọng để tránh bé “bậy” lên giường và lên người mẹ.
Cho bé uống trà bạc hà pha loãng
Hâm nóng bình nước cho đến khi nước ấm, sau đó đổ nước vào cốc rồi nhúng túi trà bạc hà vào nước khoảng 5 lần. Đổ thêm 30ml nước trong cốc vào bình rồi cho bé uống sau các bữa ăn. Yếu tố quan trọng nhất của biện pháp này chính là nước. Nước là một trong những phương pháp hiệu quả nhất để kích thích khả năng đại tiện.
Bạc hà làm dịu dạ dày bé, giúp hỗ trợ tiêu hóa và đại tiện. Nếu không có trà bạc hà, mẹ có thể sử dụng trà Cúc La mã thay thế. Cúc La mã có tác dụng xoa dịu các mô và hệ thần kinh. Bên cạnh đó, bản thân nước ấm cũng có hiệu quả giảm táo bón.
Cho bé tắm nước ấm
Ngâm mình trong nước ấm sẽ giúp bé cưng của bạn cảm thấy thoải mái, đồng thời giảm bớt cảm giác khó chịu do tình trạng táo bón gây ra. Sự khó chịu vì đầy hơi khi táo bón cũng sẽ góp phần tạo ra sự căng cơ và làm cho tình trạng trẻ bị táo bón trở nên nghiêm trọng hơn. Bởi vậy, giúp bé thư giãn cơ bụng sẽ làm giảm cơn đau vì đầy hơi và kích thích nhu động ruột. Mẹ có thể thả một túi trà Cúc La mã vào nước tắm của bé bởi mùi thơm dễ chịu của trà sẽ hỗ trợ đạt hiệu quả thư giãn mong muốn.