Hiện tượng trẻ bị ngộ độc thuốc nhỏ mũi mặc dù không phải là phổ biến nhưng vẫn có thể xảy ra ở nhóm các bé từ 1 tháng đến 3 tuổi. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý đến trường hợp này.
Trẻ bị ngộ độc thuốc nhỏ mũi do đâu?
Trẻ em là đối tượng thường nhạy cảm với thời tiết. Hệ hô hấp của các bé rất dễ bị sung huyết và kích ứng đường thở khi nhiệt độ thay đổi đột ngột trong ngày, đặc biệt là lúc chuyển mùa hoặc nằm trong phòng điều hòa. Do nghẹt mũi, khò khè nên nhiều bé không thể bú được và rất khó ngủ. Trong những trường hợp này, nhiều mẹ vội cho con mình dùng thuốc nhỏ mũi của người lớn, dẫn đến tình trạng trẻ bị ngộ độc thuốc nhỏ mũi.
Dấu hiệu trẻ bị ngộ độc thuốc nhỏ mũi
Theo các bác sĩ chuyên khoa nhi, biểu hiện của trẻ bị ngộ độc thuốc nhỏ mũi là bé sẽ bị vã mồ hôi, tay chân lạnh và nhanh chóng rơi vào trạng thái lừ đừ, hôn mê, thở yếu. Thậm chí có những dấu hiệu nặng hơn như ngưng thở từng cơn, nhịp tim đập không đều. Những triệu chứng ở trên có thể dẫn đến tai biến nghiêm trọng nếu như trẻ không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Trong số các loại thuốc nhỏ mũi thì Naphazoline là một trong những loại dễ gây ngộ độc cho trẻ. Naphazoline là thuốc có tác dụng làm co mạch tại chỗ nhanh và kéo dài, giảm sưng và sung huyết niêm mạc. Sau khi nhỏ dung dịch Naphazoline thì sẽ có tác dụng co mạch, giảm nghẹt mũi tức thì. Tuy nhiên thuốc này trẻ dưới 2 tuổi tuyệt đối không được sử dụng vì nó rất dễ gây ra sốc phản vệ dẫn đến tử vong cao. Còn đối với trẻ trên 2 tuổi thì cần sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ.
Lưu ý khi sử dụng thuốc nhỏ mũi cho trẻ
Cha mẹ tuyệt đối không tự ý mua thuốc nhỏ mũi cho con và cũng không được sử dụng dài ngày một loại thuốc nhỏ mũi vì nó sẽ khiến các bệnh về mũi của trẻ tăng nặng. Khi trẻ bị nghẹt mũi, cha mẹ cần làm thông mũi cho trẻ bằng cách sử dụng nước muối sinh lý NaCl 0,9% để làm loãng dịch mũi và dễ dàng làm sạch mũi. Đối với trẻ lớn hơn, cha mẹ cần hướng dẫn con tránh thói quen hỉ mũi mạnh cả hai bên, động tác này sẽ làm tăng đột ngột áp lực trong tai, dễ dẫn đến rách màng nhĩ.
Nên làm thông mũi 2 – 3 lần mỗi ngày và trước khi cho trẻ bú hay ăn. Ngoài ra, cần tăng cường nước uống và dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ. Không được tự ý dùng thuốc kháng sinh để trị nghẹt mũi vì không những không hết bệnh mà còn làm cho vi khuẩn kháng thuốc.
Mặc dù triệu chứng nghẹt mũi rất hay gặp ở trẻ nhỏ nhưng đa số các mẹ không biết cách chăm sóc khi con bị bệnh nên đã tự ý điều trị nghẹt mũi theo kinh nghiệm hay sử dụng thuốc theo người quen mach bảo. Do vậy, cha mẹ cần tìm hiểu kĩ về các loại thuốc nhỏ mũi, cân nhắc và tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng thuốc cho con để tránh trẻ bị ngộ độc thuốc nhỏ mũi.