Nội tiết tố tuyến giáp là chất cần thiết cho não và cơ thể phát triển từ lúc mới sinh cho tới khi trưởng thành. Trẻ em mắc bệnh suy giảm tuyến giáp ngay từ khi sinh ra nếu không được điều trị sớm sẽ dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng tới thể chất lẫn trí tuệ của trẻ trong tương lai.
Suy giảm tuyến giáp đang dần trở thành căn bệnh phổ biến trên thế giới. Theo thống kê, có đến 12% người Mỹ mắc bệnh ở mọi độ tuổi, bao gồm cả trẻ em và trẻ sơ sinh bởi tính di truyền của bệnh. Vậy bạn đã bao giờ tìm hiểu kĩ về căn bệnh này chưa? Theo dõi bài viết dưới đây của khoa Nhi – bệnh viện Hồng Ngọc nhé !
Nguyên nhân gây bệnh suy giảm tuyến giáp
Bệnh suy giảm tuyến giáp chủ yếu bắt nguồn từ tính di truyền. Một em bé sinh ra trong gia đình có bố mẹ, ông bà bị bệnh sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn đứa trẻ khác. Không chỉ vậy, nếu gia đình chỉ cần gặp vấn đề về miễn dịch có tác động đến tuyến giáp thì em bé sinh ra cũng có thể bị bệnh này.
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác dẫn tới bệnh suy giảm tuyến giáp ở trẻ được kể đến như: không cung cấp đủ iot trong chế độ ăn; suy giáp bẩm sinh (bé sinh ra đã không có tuyến giáp hoặc có tuyến giáp nhưng không hoạt động), tuyến yên bất thường; thai phụ trong thai kỳ mắc bệnh lý liên quan tới tuyến giáp nhưng không điều trị triệt để;…
Triệu chứng suy giảm tuyến giáp ở trẻ em
Đối với trẻ sơ sinh
Các triệu chứng ở trẻ sơ sinh biểu hiện trong những tuần hoặc tháng đầu sau khi trẻ sinh ra. Cần lưu ý những biểu hiện này mà bố mẹ thậm chí cả bác sĩ thường hay bỏ qua: Táo bón; Vàng da – mắt; Ít khóc; Da lạnh; Không bú mẹ; Thở mạnh; Ngủ nhiều, ít hoạt động; Lưỡi to; Thóp mềm có kích thước lớn hơn trên đỉnh đầu.
Đối với trẻ từ 1 – 10 tuổi
Các bệnh lý về suy giảm tuyến giáp ở độ tuổi này được biểu hiện qua những triệu chứng sau: Chậm lớn hơn so với độ tuổi; răng vĩnh viễn mọc chậm; dậy thì muộn; trí tuệ chậm phát triển; mắt sưng; tóc dễ gãy; nhịp tim chậm hơn bình thường; táo bón; da khô;…
Đối với thiếu niên
Ở độ tuổi này có sự phân chia về tỉ lệ mắc bệnh giữa 2 giới tính. Cụ thể, các em gái có tỉ lệ mắc suy giảm tuyến giáp cao hơn các em trai, thường là các bệnh tự miễn như viêm tuyến giáp hashimoto. Trẻ em sinh ra trong gia đình có tiền sử mắc các bệnh như viêm tuyến giáp hashimoto, bệnh tiểu đường type 1 hay Graves hầu hết đều có nguy cơ mắc bệnh suy giảm tuyến giáp. Ngoài ra, trẻ có những rối loạn di truyền như bệnh down thì cũng rất dễ mắc các bệnh lý về tuyến giáp.
Một số triệu chứng lâm sàng của bệnh ở thiếu niên, chủ yếu ở nữ giới là: tăng cân, dậy thì chậm, trẻ hơn tuổi, chậm phát triển tuyến vú, xuất huyết nặng trong chu kỳ, da khô, táo bón, hay mệt mỏi, tóc và móng dễ gãy, tuyến giáp lớn, mắt sưng,…
Không chỉ về mặt thể trạng, suy giảm tuyến giáp còn gây ảnh hưởng nhiều đến tâm thần và trí tuệ của người bệnh như: hay quên, chán nản, trầm cảm, gặp khó khăn khi học tập , khó tập trung,…
Điều trị bệnh suy giảm tuyến giáp ở trẻ
Theo thống kê từ các bác sĩ những năm gần trở lại đây, tỉ lệ trẻ em mắc bệnh suy giảm tuyến giáp là 1/3500 đến 4500. Trẻ mắc suy giáp bẩm sinh sẽ có những triệu chứng ngay từ khi mới ra đời nhưng còn mơ hồ nên ít khi mắt thường phát hiện ra được. Đến khi trẻ lớn lên, những triệu chứng đi kèm ảnh hưởng bất lợi về sức khỏe của bé rõ rệt hơn, đồng nghĩa bệnh đã nặng hơn và khó điều trị triệt để hơn nhiều. Bởi vậy, hiện nay với sự ra đời của phương pháp sàng lọc sơ sinh giúp trẻ được phát hiện các bệnh lý liên quan tới rối loạn di truyền như suy giảm tuyến giáp, mỗi gia đình nên tham gia chương trình để bé có thể sớm được điều trị, tránh những nguy hiểm sau này cho sức khỏe và trí tuệ của bé.
Trường hợp bé chưa được tầm soát, bố mẹ nên chú ý đến những biểu hiện sức khỏe của con trong những năm tháng đầu đời, đặc biệt là những biểu hiện kể trên để sớm phát hiện và điều trị cho bé càng sớm càng tốt. Việc cho bé đi khám sức khỏe tổng quát định kỳ cũng rất cần thiết và có ích cho sức khỏe của trẻ, không chỉ sớm phát hiện ra bệnh của bé nếu có mà còn giúp bố mẹ có những định hướng trong việc chăm sóc sức khỏe của con tốt hơn.