Theo chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trẻ 13 tháng tuổi nếu là bé trai sẽ có cân nặng trung bình 9,9kg và cao 76,9cm, bé gái có cân nặng trung bình 9,2kg, cao 75,2cm. Dưới đây là chế độ dinh dưỡng cho trẻ 13 tháng tuổi cha mẹ có thể tham khảo.
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ 13 tháng tuổi
Trẻ 13 tháng tuổi đã bắt đầu tập đi hoặc có bé đã biết đi nên sẽ cần nhiều năng lượng để hỗ trợ cho các hoạt động hàng ngày. Thông thường mỗi bé sẽ cần khoảng 800-1000 calo/ ngày.
Với nhu cầu về lượng calo cần thiết như trên, chế độ dinh dưỡng hàng ngày cho bé cần được ăn 3 bữa cháo đặc, tổng lượng sữa khoàng 600ml/ngày. Ngoài ra, trẻ cần được cho ăn thêm một số thực phẩm khác như sữa chua, váng sữa và hoa quả chín.
Đối với trẻ 13 tháng tuổi, mẹ không cần nấu cháo xay nhuyễn mà có thể để lổn nhổn cho bé tập nhai. Lúc này, lượng thức ăn cho 1 bữa cháo của bé cần khoảng 40gr gạo + 30gr thịt/cá/tôm hay 1 quả trứng gà + 20gr rau xanh + 10gr dầu ăn hoặc mỡ. Bên cạnh đó, mẹ cũng nên để con được ngồi ăn cùng bữa với gia đình để bé tập ăn nhiều loại thức ăn hơn và có thể nhai tốt hơn.
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ 13 tháng tuổi cần được cung cấp chủ yếu thông qua thức ăn hàng ngày chứ không phải thông qua sữa. Vì vậy, đối với những bé nhẹ cân hoặc suy dinh dưỡng thì mẹ có thể bổ sung thêm cho con 1 bữa cháo nữa nếu muốn bé tăng cân tốt hơn.
Tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ 13 tháng tuổi
– Theo khuyến cáo của tổ chức y tế thế giới, các bà mẹ nên cho con bú đến 24 tháng tuổi bởi trong sữa mẹ có các dưỡng chất bổ dưỡng, dễ hấp thu như đạm, vitamin, khoáng chất và các yếu tố vi lượng… rất cần cho sự phát triển cũng như phòng chống bệnh cho trẻ.
– Mẹ nhớ tiêm phòng cho con theo đúng lịch tiêm chủng quốc gia để con có các kháng thể phòng, chống các bệnh mà trẻ hay mắc như lao, ho gà, uốn ván, bạch hầu, sởi, viêm màng não, viêm gan, thủy đậu… Đây là biện pháp nâng cao hệ miễn dịch tốt nhất cho con bạn.
– Hãy cho con ngủ đủ giấc, trẻ 13 tháng tuổi cần được ngủ từ 12-13 giờ. Thiếu ngủ sẽ khiến trẻ dễ bị ốm hơn.
– Hãy thường xuyên bổ sung thêm nước cho trẻ để giúp rửa sạch ruột, hỗ trợ tiêu hóa hiệu quả bằng cách tập cho trẻ thói quen uống nước mỗi ngày.
– Không tùy ý dùng thuốc kháng sinh. Khi con ốm, bạn nên dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, không được tự mua thuốc về dùng.
– Hạn chế để con tiếp xúc với môi trường không khí có hại như khói thuốc lá hay các loại hóa chất khác.
– Hãy cho con trẻ được tiếp xúc với môi trường xung quanh để có đề kháng tự nhiên tốt hơn do cơ thể đã được tập làm quen với những tác nhân gây hại trong môi trường.
– Bạn nên rèn cho con trẻ thói quen giữ vệ sinh sạch sẽ, rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn cơm. Đồng thời không đưa tay lên miêng để tránh đưa vi khuẩn vào cơ thể.