Trong giai đoạn từ 0-3 tuổi, trẻ cần được chăm sóc đầy đủ dinh dưỡng để đảm bảo sự phát triển tốt nhất cả về thể chất và trí não. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp các thông tin hữu ích về chế độ dinh dưỡng cho trẻ 9 tháng tuổi.
Một số lưu ý về dinh dưỡng cho trẻ 9 tháng tuổi
Bước sang giai đoạn 9-12 tháng, trẻ đã có những thay đổi đáng kể về nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày. Lúc này, bé cần được ăn đủ 3 bữa ăn chính (gồm bột hoặc cháo được nấu nhuyễn), đồng thời bổ sung thêm sữa mẹ hoặc sữa công thức mỗi ngày. Thời gian này, bé đã có thể tập ăn bốc một sốt loại thức ăn mềm cắt nhỏ, cũng như việc học cách uống sữa bằng bình.
Bé 9-10 tháng tuổi sẽ ngủ khoảng 14 giờ một ngày, gồm giấc ngủ dài vào ban đêm, một giấc buổi trưa và hai giấc ngủ ngắn trong ngày. Đây cũng là thời điểm bé bắt đầu dành nhiều thời gian để phát triển các kỹ năng và học cách tương tác với mọi người xung quanh.
Bé từ 9 tháng tuổi trở lên sẽ bước sang một giai đoạn ăn dặm mới, lúc này bé có thể ăn được hầu hết các loại rau. Các mẹ lưu ý hãy để bé tự cầm/ xúc khi ăn, chỉ nên hỗ trợ nếu cần thiết. Đặc biệt là không được ép con ăn.
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ 9 tháng tuổi
Thực đơn ăn dặm của bé 9 tháng tuổi như sau:
– 3 bữa ăn chính: Cháo, bột hoặc cơm nhão với đầy đủ 4 nhóm thực phẩm, tổng tăng dần từ khoảng 60 – 90g gạo tẻ trắng, 60 – 90g thịt (tôm, cá…), 15g dầu (mỡ), rau xanh, quả chín…
– 3 bữa ăn phụ: Trái cây, các sản phẩm chế biến từ sữa, phomai, bánh quy…
– Sữa mẹ hoặc sữa công thức: Khoảng 500 – 600 ml/ngày
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ 9 tháng tuổi cần đảm bảo phải đầy đủ vitamin, chất đạm, chất béo và chất xơ. Nên cho bé ăn đa dạng các loại thực phẩm, chỉ ăn gạo tẻ trắng và không ăn nước xương hầm, ăn càng nhạt càng tốt. Mẹ nên quy định giờ mỗi bữa ăn cho bé, ví dụ 3 bữa bột/cháo vào khoảng 09h, 14h, 18h, đồng thời không kéo dài thời gian quá 30 phút/1 bữa.
Để kích thích cảm giác ngon miệng cho bé, các mẹ nên thường xuyên thay đổi cách chế biến và thực đơn hàng ngày để các món ăn được đa dạng. Các mẹ cũng không nên nấu một nồi cháo to rồi cho con ăn cả ngày, như thế vừa mất hết chất dinh dưỡng do thường xuyên đun nấu, vừa làm cho bé cảm thấy chán ăn.
Những việc mẹ cần tránh khi chế biến món ăn cho bé
– Cho bé ăn lại thức ăn thừa.
– Đun nấu quá lâu các rau củ sẽ hủy hết vitamin.
– Sau khi chế biến xong, không để nguội thức ăn trước khi cho vào tủ lạnh vì vi khuẩn sẽ có cơ hội sinh sôi. Mẹ hãy đặt thức ăn nóng vào đĩa lạnh, đậy lại và cho vào tủ lạnh.
– Dùng nhiều chất béo bão hòa như mỡ động vật, bơ.
– Dùng nhiều muối.
– Dùng nhiều đường.
Cùng tìm hiểu lịch tiêm chủng mở rộng cho bé để đưa bé đi khám ngay theo lịch đảm bảo sức khỏe cho bé nhé!