Ở tháng thứ 8 bé yêu cần được cung cấp dưỡng chất gì để phát triển và thực đơn dinh dưỡng cho bé 8 tháng tuổi khác gì so với giai đoạn trước luôn là mối quan tâm của nhiều cha mẹ. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn câu trả lời.
Sự phát triển của bé 8 tháng tuổi
-Thị giác của bé lúc này đã phát triển đầy đủ nên biết chú ý đến những gì diễn ra xung quanh, biết lắng nghe nhiều hơn và khả năng bắt chước cũng linh hoạt hơn.
-Khả năng cầm nắm các đồ vật của bé đã phát triển hơn trước rất nhiều. Bé có thể cầm đồ vật nhỏ bằng ngón tay cái và ngón trỏ. Vì vậy, các mẹ cần chú ý bởi có thể bé sẽ đưa vật đó vào miệng và ngậm.
-8 tháng tuổi, hầu hết các bé đã biết bò và có thể di chuyển ra mọi nơi chỉ để lấy món đồ mà bé thấy tò mò và thích thú.
-Giấc ngủ ban ngày của bé rất ngắn, chỉ khoảng 1 – 2 giấc ngắn trong khi đó giấc ngủ vào ban đêm của bé sẽ dài và sâu hơn, thậm chí nhiều bé không cần dậy để ăn.
-Một sự thay đổi rất đáng yêu nữa của bé là biết vỗ tay phấn khích và cười tươi khi thích thú hoặc vui mừng về sự việc nào đó. Nhưng cũng dễ dàng khóc nếu như mẹ không đưa cho bé đồ mà bé thích hay làm không đúng ý bé.
Để đáp ứng được sự phát triển đó của con, các mẹ cần phải xây dựng một chế độ ăn cho bé 8 tháng tuổi thật hợp lý và khoa học.
Chế độ dinh dưỡng cho bé 8 tháng tuổi
Cho trẻ uống sữa thường xuyên
Lượng sữa cần thiết cung cấp dinh dưỡng cho bé 8 tháng tuổi là 500ml/ngày. Vì vậy, các mẹ cần đảm bảo đầy đủ lượng sữa cho bé phát triển. Trong giai đoạn này, sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng chủ yếu của trẻ, ngoài ra mẹ có thể dùng thêm sữa công thức cho con theo liều lượng thích hợp. Lưu ý, không nên cho trẻ dùng sữa bò trước khi được 1 tuổi.
Chế độ ăn cho trẻ 8 tháng tuổi
-Trong mỗi khẩu phần ăn cho con, mẹ cần đảm bảo đầy đủ cho trẻ 4 nhóm dưỡng chất chính là: tinh bột, chất đạm, chất xơ và vitamin, chất béo.
-Một ngày nên cho trẻ ăn 2-3 bữa chính và đan xen những bữa ăn nhẹ. Cháo, bột nấu cho trẻ phải kết hợp với các loại thực phẩm luôn được thay đổi để tránh tình trạng bé chán ăn do thường xuyên phải ăn một món.
-Bên cạnh sữa, mẹ có thể bổ sung nước hoa quả và các món ăn phụ cho bé như sữa chua, pho mai, bánh kẹo…
-Thời kì này trẻ dễ bị thiếu hụt một số vi chất dinh dưỡng như kẽm, canxi, photpho, selen,… nếu như mẹ không có chế độ chăm sóc hợp lý.Vậy nên trong chế độ dinh dưỡng của bé 8 tháng tuổi mẹ nên chú trọng đến việc bổ sung các vi chất này nhưng với liều lượng thích hợp.
Những lưu ý khi thực hiện chế độ ăn dặm cho bé 8 tháng tuổi
-Cho bé ăn ít một với những thực phẩm dễ tiêu, sau đó sẽ tăng dần số lượng và chất lượng thức ăn để đảm bảo dinh dưỡng cho bé 8 tháng tuổi.
-Chọn thức ăn phù hợp: Mỗi khi bé ăn, các mẹ hãy quan sát để biết con mình thích và không thích ăn những món ăn nào, từ đó tìm ra thực đơn phù hợp nhất cho bé. Đồng thời đây cũng là dịp để kiểm tra xem bé có bị dị ứng với loại thức ăn đó hay không.
-Không nên quá khắt khe với bé khi ăn: Khi ăn thì quần áo bé có thể sẽ lem nhem vì vụn thức ăn rớt xuống thậm chí rơi cả ra cả sàn nhà. Trong hoàn cảnh này, bạn không nên tức giận, quát mắng bé mà hãy chuẩn bị cho con những bộ quần áo phù hợp nhất để mặc mỗi khi ăn.
-Bé đi ngoài ra phân khác màu: Khi thực hiện chế độ ăn dặm cho bé 8 tháng tuổi tức là mẹ đã đưa vào ruột bé nhiều loại thức ăn khác nhau do vậy đừng quá lo lắng nếu thấy phân của con có những màu sắc khác thường.