Bước sang tuổi thứ 2 cũng là lúc bé yêu có những thay đổi đáng kể về cả thể chất và tâm lí. “Mầm non” vừa nhú và đang muốn trỗi dậy này hẳn sẽ có những chuyển biến vừa tích cực mà cũng không ít những tiêu cực khiến ba mẹ phải đau đầu khi bé yêu ngoan ngoãn ngày nào bỗng trở nên cục cằn và không nghe lời người lớn. Ấy chính là giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 2 của bé!
Thế nào là khủng hoảng tuổi lên 2?
Cụm từ “khủng hoảng tuổi lên 2” được dùng để chỉ những thay đổi xảy ra trong giai đoạn từ 18 tháng đến 3 tuổi của trẻ. Hẳn các ông bố bà mẹ sẽ cảm thấy choáng ngợp khi thấy con mình bỗng chốc thay đổi 180 độ: tâm trạng thất thường, hành động luôn có chiều hướng mang tính “bạo lực” (cào cấu, cắn, đấm, ăn vạ,…) và luôn luôn nói “Không” với mọi điều người lớn nói.
Đừng vội nghĩ đó do con hư và không vâng lời mà điều ba mẹ nên làm lúc này là bình tĩnh cùng con vượt qua cơn khủng hoảng đầu đời này bằng cách thông minh nhất, bởi những người thân gần gũi bé nhất lúc đó chính là tấm gương phản chiếu con người bé hiện tại và cả sau này. Kiên nhẫn chính là chìa khóa giúp mẹ chế ngự giai đoạn khủng hoảng của bé yêu, giúp mẹ dần nhận thức được đâu là điều nên và không nên làm và dần hình thành một thói quen tốt cho con.
Đối phó với khủng hoảng tuổi lên 2 của bé như thế nào?
Khi trẻ có những biểu hiện tiêu cực, cư xử không đúng mực và những gì bé nói lúc này là “Không”, “Không” và “Không” thì đây chính là lúc ba mẹ thể hiện “bản lĩnh” của mình bằng biện pháp chế ngự thật khéo léo, hướng bé tới những điều tích cực. Phải làm gì đây?
Bình tĩnh
Đây được coi là yếu tố tiên quyết trong “hành trình” gian nan đầu tiên này. Cho dù có muốn “nổi khủng” bởi những trò quậy phá, ăn vạ nhưng mẹ vẫn phải kiên nhẫn và không nên thể hiện thái độ tức giận đó trước mặt con. Hãy giả vờ phớt lờ để bé tự “vùng vẫy” trong cảm xúc của mình và giữ thái độ bình thản. Mẹ càng bình tĩnh thì bé sẽ càng sớm trở lại trạng thái bình thường, bởi “vở kịch” ăn vạ này của bé xem ra không có khán giả rồi!
Đánh lạc hướng bé
Các bạn nhỏ thực tế rất dễ bị đánh lạc hướng. Nhiều cha mẹ vẫn áp dụng chiêu dụ cho bé để ý sang một điều khác hấp dẫn khi đang quấy khóc và mè nheo, ngay lập tức bé sẽ tập trung tới vấn đề mới mà quên rằng vì sao trẻ chúng khóc. Cách đánh lạc hướng này sẽ rất hữu hiệu và cha mẹ chớ nên bỏ qua. Và cũng đừng quên sáng tạo ra những điều mới lạ hấp dẫn bé nhé!
Không thỏa hiệp
Đừng vì những tiếng gào thét mà dễ dàng thỏa hiệp với trẻ nhỏ. Điều đó tuyệt đối không nên lúc này. Một lần thỏa hiệp sẽ dần là thói quen để những đứa trẻ sẽ vịn vào đó mà càng ngày càng ương bướng. Nếu quá dễ dãi chúng ta khó có thể dạy con trở thành một em bé ngoan được.
Linh động trong xử lí tình huống
Xử lý khủng hoảng tuổi lên 2 khó có thể theo một phép tắc hoặc thước đo nào, điều quan trọng là ba mẹ cố gắng kiềm chế cảm xúc và dạy con theo hướng tích cực. Trong mỗi tình huống, hãy linh động việc dạy bảo trẻ để trẻ có thể hiểu chuyện và dần dần thoát được những khủng hoảng ở độ tuổi này.
Ngoài ra, với những em bé luôn chống đối và nói “Không” với tất cả mọi thứ, ba mẹ cũng cần học cách khéo léo “kéo” con ra khỏi cơn khủng hoảng này bằng những biện pháp ứng xử như:
- Ngừng sử dụng những câu mệnh lệnh hay phủ định với con: Thay vì nói “Đừng nghịch nữa” hay “Con phải đi tắm”, mẹ có thể khuấy động tâm trạng của bé bằng câu nói “Yeah! Đến giờ tắm rồi!”
- Cung cấp các lựa chọn thay thế có giới hạn để con lựa chọn: Để làm cho cuộc sống của trẻ dễ dàng hơn, thay vì hỏi “Bây giờ con muốn làm gì?”, hãy gợi ý bé giữa những lựa chọn “Con thích chơi ôtô hay chúng ta cùng đọc một cuốn sách nhỉ?”
Chế ngự khủng hoảng tuổi lên 2 chỉ là những bước đi đầu tiên trên hành trình nuôi dạy con của cha mẹ. Hãy chuẩn bị thật tốt và tạo cho con những nền tảng để trở thành một đứa con thông mình và hiểu chuyện ngay từ những năm tháng đầu đời, mẹ nhé!